Tháo rào cản để tận dụng EVFTA
Sức bật cho hợp tác thương mại Việt Nam – EU | |
EVFTA và những thách thức cần vượt qua | |
Cùng nhau vượt qua thách thức, thực hiện thành công EVFTA |
Động lực mở rộng xuất khẩu
Sau 10 năm đàm phán, EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 trong bối cảnh đặc biệt, khi cả thế giới đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19. Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến Công bố Báo cáo đánh giá một năm thực hiện EVFTA, ông Phạm Văn Long - đại diện nhóm nghiên cứu nhận định, có thể nhìn thấy nhiều kết quả tích cực cả về mặt thể chế, cũng như kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang EU.
Về hành lang pháp lý, trước EVFTA Việt Nam đã ký kết 14 FTA khác với các nước. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật nước ta đã có nhiều điều chỉnh để phù hợp hơn với các cam kết trong hiệp định. Đến thời điểm hiện nay, đã có 19 bộ, ngành, 57 tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện EVFTA. Gần đây nhất, Bộ Công thương đã thành lập nhóm tư vấn trong nước về Hiệp định này tại Việt Nam.
EVFTA đã mang lại nhiều “trái ngọt” sau một năm có hiệu lực |
Về thương mại, EU đã trở thành một trong ba thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Mặc dù tác động tích cực của hiệp định bị kìm hãm đáng kể bởi đại dịch; tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tính đến 31/7/2021 vẫn tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 39,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24%.
Về đầu tư, lũy kế hết tháng 9/2021, các nước EU đầu tư sang Việt Nam khoảng 2.249 dự án, chiếm gần 6,6% tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn là khoảng 22,27 tỷ USD.
Ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cũng cho rằng, EVFTA đã mở ra kỷ nguyên mới cho quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Đây là thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Kết quả khảo sát mới đây của EuroCham cho thấy, 69% lãnh đạo doanh nghiệp thành viên đã hiểu rõ về EVFTA và các tác động của hiệp định. Một nửa trong số đó tin rằng hiệp định có liên quan sát sườn đến doanh nghiệp của họ. 65% lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tin rằng hiệp định này sẽ đem lại lợi ích.
Các số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy, ngay cả trong dịch bệnh, EVFTA đã đem lại đúng những gì đã hứa hẹn, minh chứng là xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng cao, một số mặt hàng đã đạt tỷ trọng lớn. Xuất khẩu của châu Âu sang Việt Nam cũng tăng so với cùng kỳ, tính đến tháng 9/2021, 27 quốc gia thành viên EU đã đầu tư trên 22 tỷ USD vào hơn 160 dự án ở Việt Nam.
Còn theo TS. Vũ Thanh Hương - Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, một năm qua đã chứng kiến sự thay đổi cả về lượng và chất của các mặt hàng xuất khẩu sang EU và cả sự nỗ lực, quyết tâm từ Chính phủ, các bộ, ngành. Chỉ một tuần sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã nhanh chóng ban hành các chính sách, kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệp định này, nhanh hơn rất nhiều so với các hiệp định trước, thể hiện mức độ sẵn sàng, cùng với những kinh nghiệm đã tích lũy trong quá khứ để thực hiện tốt EVFTA.
Xét thay đổi về chất, sau khi có hiệp định, nhiều hình thức thương mại mới của hai bên đã xuất hiện. Đơn cử như thương mại điện tử đã có nhiều phát triển trong năm qua, hàng loạt nông sản đã được xuất khẩu trực tuyến sang EU. Tỷ lệ sử dụng ưu đãi từ hiệp định của doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay là hơn 20%, đã thể hiện sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và dấu hiệu thay đổi về thủ tục hành chính. Đây là con số rất cao sau một năm thực hiện so với các FTA khác.
Thủ tục hành chính vẫn là rào cản
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch EuroCham, vẫn còn một số thách thức trong việc đẩy mạnh thực hiện EVFTA của các doanh nghiệp thành viên tại Việt Nam. Trong đó rào cản lớn nhất là thủ tục hành chính, bên cạnh hai khó khăn là rào cản kỹ thuật với thương mại và thiếu kiến thức về EVFTA. Để khắc phục điều này, Việt Nam cần đón đầu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các FTA, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, phát huy vai trò Hội đồng tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần cải thiện sản phẩm, công nghệ, xác định cạnh tranh là động lực đổi mới sáng tạo. Gia tăng thương mại với EU, các doanh nghiệp sẽ nâng cao vị thế trên sân nhà và có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Ông Jean-Jacques Bouflet khẳng định, hiệp định góp phần sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong tác động của đại dịch.
Góp ý thêm về việc hoàn thiện thể chế, ông Phạm Văn Long cho rằng, tốc độ cải cách luật pháp của Việt Nam sẽ chậm dần so với EVFTA, và nếu không nhanh chân, chúng ta sẽ mất dần lợi thế của người đi trước. Mặc dù hiện Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong thương mại với EU ở khu vực Đông Nam Á; tuy nhiên hiện EU cũng đang đàm phán FTA với các nước trong khu vực. Vì vậy, thời gian tới cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề thực thi pháp luật, cụ thể về sở hữu trí tuệ, người lao động, bảo vệ môi trường…
Ngoài ra, Việt Nam còn gặp khó khăn khi chi phí thương mại cao hơn các đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp đang chịu nhiều tác động của đại dịch, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong mặt hàng trái cây, rau củ cũng là một vấn đề nhiều doanh nghiệp đang gặp phải. Vì vậy, để tận dụng nhanh chóng ưu đãi từ hiệp định, cần giảm bớt rào cản thương mại, hàng rào phi thuế quan, cải thiện về an toàn thực phẩm nhằm tránh vi phạm quy định ở các nước nhập khẩu.
TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng, doanh nghiệp trong nước tiếp cận ưu đãi từ EVFTA vẫn chưa cao vì năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Hiện doanh nghiệp FDI đang chiếm tỷ trọng 74% xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tận dụng được ưu thế từ FDI trong vấn đề gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, giải pháp quan trọng là nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, tiến đến nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia để tận dụng lợi thế từ các FTA mang lại.