Chuyển đổi số để tận dụng các FTA thế hệ mới
Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức nhờ EVFTA | |
Tháo rào cản để tận dụng EVFTA | |
Tạo sức bật mới cho thương mại Việt Nam-EU |
Nỗ lực, nhưng chưa đủ
Trong suốt giai đoạn 36 năm Đổi mới vừa qua, tăng trưởng thương mại luôn gắn liền với những thành tựu quan trọng của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội. Điều này không chỉ giúp tạo tác động lan tỏa tích cực về thu nhập, việc làm, chuỗi cung ứng, mà còn thể hiện nỗ lực thử nghiệm, đổi mới sáng tạo, nắm bắt những xu hướng, thực tiễn tốt về chuyển đổi số trong thương mại của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 hai năm qua, việc tiếp tục thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trọng tâm là các FTA thế hệ mới đã mở rộng đáng kể không gian cho hoạt động thương mại của Việt Nam, qua đó giúp giảm bớt những hệ lụy tiêu cực của đại dịch đối với xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế Việt Nam. Kết quả này không chỉ giúp tạo tác động lan tỏa tích cực về thu nhập, việc làm, chuỗi cung ứng, mà còn thể hiện nỗ lực thử nghiệm, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam. Có được kết quả này một phần cũng nhờ doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Thương mại điện tử là kênh giao dịch được các doanh nghiệp khai thác triệt để trong bối cảnh Covid-19 |
“Việc nắm bắt những xu hướng, thực tiễn tốt về chuyển đổi số trong thương mại sẽ góp phần tăng cường mức độ đổi mới sáng tạo và sức chống chịu của doanh nghiệp nói chung và trong hoạt động thương mại nói riêng”, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.
Thực tế, Việt Nam đã có nỗ lực nhằm tiếp cận chuyển đổi số trong thương mại. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025… Nhìn lại các diễn biến của nền kinh tế thời gian qua có thể thấy, từ Chính phủ và các bộ ngành trực thuộc đến từng doanh nghiệp, người dân đều ngày càng dựa hơn vào môi trường số, đặc biệt trong các giao dịch liên quan đến thương mại.
Theo kết quả nghiên cứu từ Báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới” vừa công bố của CIEM, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại. Việt Nam cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi số.
Mặc dù vậy, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, tác động tạo thuận lợi của cải cách trong nước đối với hoạt động thương mại dường như đang suy giảm. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là do chuyển đổi số trong thương mại còn chậm, thiếu gắn kết, thiếu đồng đều và hài hòa. Trong khi đó, tư duy chủ động cải cách liên quan đến chuyển đổi số trong thương mại cũng chưa được thể hiện rõ nét.
Vì vậy, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hoàn thiện chính sách hơn nữa để bảo đảm chuyển đổi số mạnh mẽ, thực chất hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thương mại. Vấn đề càng cấp thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.
Khởi nguồn từ Chính phủ
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số hỗ trợ thương mại nói riêng. Trong đó, một số bài học kinh nghiệm nổi bật như: Cần chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó cần tập trung vào những ngành, lĩnh vực có thể đột phá; cải thiện hạ tầng thông tin (cả hạ tầng cứng và mềm); tạo thuận lợi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp; xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong kinh nghiệm chuyển đổi số của các nước có một bài học chung rất quan trọng mà nước nào cũng tiến hành, đó là chuyển đổi số cần khởi đầu từ Chính phủ. “Chuyển đổi số của các nước đều bắt đầu từ Chính phủ làm trước, từ đó mở rộng lan tỏa ra xã hội, các lĩnh vực thương mại. Nếu Chính phủ không đi tiên phong, có hệ thống làm việc số (Chính phủ điện tử) trước thì đến lúc phát động xã hội, doanh nghiệp làm sẽ rất lúng túng, hệ thống thể chế chính sách và khâu tổ chức thực hiện không theo kịp”, chuyên gia này nói.
Từ bài học này, bà Phạm Chi Lan cho rằng Việt Nam cần học các nước là “bắt đầu từ Chính phủ” và trong vấn đề này cần đặc biệt chú ý đến vấn đề thể chế chính sách và thực thi. Cùng với đó, cần phân định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan; cơ chế phối hợp; chế tài xử lý để thực hiện tốt nhất các chính sách, quy định đã đặt ra.
Bên cạnh đó theo các chuyên gia, cần tránh cầu toàn khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Việc đưa ra chiến lược cho một giai đoạn quá dài, tầm nhìn quá rộng thì sẽ rất khó để hiện thực hóa. Nên trong thiết kế cần hết sức chú trọng đến các thời điểm mang tính chất trung hạn và đặt mục tiêu làm bằng được để tạo nền tảng cho những bước tiếp theo.
Báo cáo của CIEM khuyến nghị cần có một lộ trình hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, gắn với các nội dung gồm: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hoàn thiện chính sách cạnh tranh; Cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại; Chính sách sở hữu trí tuệ; Phát triển hạ tầng số; Phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; và Phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trực tiếp và hỗ trợ chuyển đổi số trong thương mại.
Rất đồng tình với đề xuất cần phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên đột phá trong chuyển đổi số, bà Phạm Chi Lan dẫn thực tế hiện nay với nhận định chúng ta đang kêu gọi khá chung chung. “Ngành nào cũng chuyển đổi số, địa phương nào cũng chuyển đổi số, trong khi trình độ và năng lực rất khác nhau. Chúng ta cần tập trung vào những nơi có năng lực nhất để đẩy mạnh lên, từ đó rút kinh nghiệm và mở rộng hơn, chứ không nên làm trên diện quá rộng, phân tán sức lực mà không đến nơi, đến chốn. Đây cũng chính là bài học kinh nghiệm mà Hàn Quốc đã làm”, vị chuyên gia cho biết.
Về hợp tác quốc tế, các chuyên gia cho rằng cần gắn với chuyển đổi số trong khu vực và toàn cầu thông qua các kênh như: Tận dụng hỗ trợ của các đối tác quan trọng, có kinh nghiệm tốt đặc biệt là đã được thể hiện trong các quy định, nội dung của các FTA thế hệ mới; Về mặt luật pháp, chính sách cần tập trung vào các quy định, yêu cầu chung đã có trong các FTA để sửa đổi luật pháp của mình phù hợp, đảm bảo rõ cho thực thi.