Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cơ hội để bứt tốc
Khởi nghiệp sáng tạo: Gắn khát vọng cá nhân với khát vọng dân tộc | |
Dù khó khăn, tinh thần khởi nghiệp Việt Nam vẫn thắp sáng | |
Cơ hội vàng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo |
Chỉ trong vòng hai năm, các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chỉ sau Indonesia và Singapore. Theo bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020 của Startup Blink - Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Ngay đầu năm 2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Trong đó, Chính phủ cam kết đồng hành cùng cá nhân, DN trong đổi mới sáng tạo.
Trong những năm gần đây, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Chính phủ rất quan tâm và được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính vì vậy nhiều chính sách để thúc đẩy hệ sinh thái này. Trong 3 năm qua, một khung pháp lý đã được thiết lập cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật Chuyển giao công nghệ 2017. Khung pháp lý Sandbox cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được tạo dựng. Các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới đã tăng trưởng nhanh chóng về số lượng, bao gồm 23 tổ chức xúc tiến kinh doanh, 38 vườn ươm khởi nghiệp và hơn 170 co-working space.
Hiện trong cả nước, 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, hơn 300 sự kiện liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo đã được tổ chức và hơn 10 chương trình truyền hình về sáng tạo khởi nghiệp được phát sóng trên toàn quốc. Ngoài ra, các trường đại học đã thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp. Một số trường đại học đã đưa môn học khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình giảng dạy của họ, đây sẽ là nền tảng để thiết lập khởi nghiệp đổi mới thành công trong tương lai. Số lượng quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng tăng nhanh với 61 quỹ hiện đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 10 quỹ trong nước. Ngoài ra còn có sự gia tăng mạnh mẽ sự tham gia của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Singapore vào hệ sinh thái Việt Nam với 11 quỹ từ Singapore và 13 từ Hàn Quốc.
Hà Nội là một trong những thành phố có phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh và được kỳ vọng trở thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước. Hàng năm, thành phố đều dành nguồn lực và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù được ban hành như hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp và đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng; giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh như đất đai, hải quan, thuế…
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tạo cơ chế mở để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Nhờ đó, nhiều vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ra đời. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo và 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm theo “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025” và trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước.
Đầu năm 2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã được khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, Hà Nội. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, thời gian tới, các bộ, ngành đặt doanh nghiệp, người dân là trọng tâm của đổi mới sáng tạo. Chính phủ cam kết đồng hành cùng cá nhân, doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Quyết định 188/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu Xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo vận hành thành công các trung tâm với các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, cạnh tranh so với khu vực và quốc tế; phát triển Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh và các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, tổ chức có tiềm năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.