Còn ngân vang mãi một thời hoa lửa
Những ký ức hào hùng
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 dẫn đến thắng lợi của Việt Nam tại Hiệp định Genève, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Tại miền Nam, thực hiện Luật 10/59, quân ngụy đã lê máy chém tàn sát các cơ sở cách mạng của ta. Hàng loạt đảng viên, cán bộ cơ sở đã bị chúng bắt, chém giết, tù đầy, giam cầm, tra tấn rất dã man. Hàng chục ngàn cơ sở cách mạng ở miền Nam đã bị tàn phá, tiêu diệt.
Trước tình hình cấp bách đó, ngay từ đầu năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III đã họp và ban hành Nghị quyết số 15, chỉ đạo chuyển hướng đấu tranh cách mạng ở miền Nam - từ đấu tranh chính trị chuyển sang kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, có sự chi viện của miền Bắc tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đoàn đi Trung ương cục miền Nam (ngày 14/5/1968) |
Từ tháng 3/1959 đến tháng 5/1968, liên tục trong 10 năm, ngành Ngân hàng đã cử 452 cán bộ cốt cán của Ngành vào chi viện cho chiến trường miền Nam (gọi tắt là đi B). Đa số cán bộ được điều động từ 23 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh và thành phố phía Bắc, một số ít thuộc Ngân hàng Trung ương và Trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng.
“Đứng bên bờ Đá rừng
Nói đôi lời chia tay
Mắt ai cũng cay cay
Chắc đêm qua thao thức
Kẻ ở lại Quảng Đức
Người đi vô trong R
Không biết đến bao giờ
Mới có ngày hội ngộ...”.
Những vần thơ giản dị của đồng chí Trương Thành Trung, Ủy viên Ban Liên lạc đoàn Ngân hàng B68 khu vực Nam bộ có lẽ cũng là tiếng lòng chung của nhiều cán bộ ngân hàng nhận nhiệm vụ đi B ngày ấy. Nơi bom rơi đạn nổ, hòn tên mũi đạn chẳng chừa riêng ai, song đã là nhiệm vụ thì ai nấy cũng đều tự răn mình “phải chiến đấu tới hơi thở cuối cùng” cho Tổ quốc.
Nhằm chuẩn bị phát hành tiền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và chuẩn bị khung cho bộ máy ngân hàng ở các tỉnh phía Nam sau giải phóng, tháng 5/1968, Ngành đã điều động một đợt đi B đông nhất với số lượng 364 người. Sau một thời gian được huấn luyện tại căn cứ K105 (Hòa Bình) và qua nhiều ngày tháng chịu đựng gian khổ, ác liệt, ăn đói, nhịn khát, để vượt Trường Sơn... ròng rã gần nửa năm trời, đoàn mới tới được chiến trường miền Nam. Khi tới chiến trường, đoàn được chia thành nhiều đoàn đưa về các chiến khu suốt từ nam vĩ tuyến 17 cho đến tận đất mũi Cà Mau.
Nhiệm vụ của đoàn là chuẩn bị phát hành tiền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và chuẩn bị thành lập ngân hàng ở các vùng giải phóng. Song do diễn biến tình hình thực tế khá phức tạp, tương quan lực lượng giữa ta - địch chưa thuận lợi, nên hoạt động của đoàn được Trung ương chỉ đạo nhanh chóng chuyển hướng phù hợp với tình hình mới.
Lúc đó, đoàn vừa tham gia đánh địch trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, vừa góp phần tham gia chiến đấu cùng lực lượng vũ trang khi tình thế cấp bách. Các thành viên trong đoàn cùng với nhân dân đóng góp tài chính cho cách mạng, thu gom tiền ngụy, chế biến ngoại tệ, thu mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, phục vụ cấp cứu thương binh, đảm bảo hậu cần có đủ quân nhu, quân trang, quân lương và quân khí cho lực lượng vũ trang. Bên cạnh đó, các cán bộ ngân hàng cũng tham gia sản xuất tự cấp, tự túc ở hậu cứ ngay tại địa bàn đóng quân trong vùng giải phóng, góp phần xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng; tham gia xây dựng lực lượng và chính trị, chính quyền cách mạng còn non trẻ tại các địa phương; tham gia công tác binh vận, địch vận, tư - trí vận... ngay trong lòng địch. Thậm chí có thành viên trong đoàn còn làm nhiệm vụ tình báo kinh tế, an ninh quân đội... như trường hợp đồng chí Lữ Minh Châu (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), là tình báo kinh tế đi B từ năm 1965.
Một trong những đơn vị đặc biệt của giai đoạn này là Ngân tín R với phiên hiệu C32/D170. Giai đoạn 1968 - 1975, C32 có nhiệm vụ quan trọng là tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, chế biến để có đủ tiền cấp phát cho toàn bộ chiến trường theo lệnh Trung ương Cục. Hoạt động này vô cùng gian khó. Chỉ đơn cử như việc để nhận được tiền từ vùng địch kiểm soát, bộ phận tiếp nhận phải cử trinh sát vào trước, khi phát hiện không có địch phục kích mới vào vận chuyển tiền về. Tiền về tới căn cứ mới đếm và đào hầm chôn, khi phát hiện địch tấn công, hàng và tài liệu đều chôn giấu, mỗi chiến sĩ C32 đều cầm súng để bảo vệ an toàn người và tài sản... C32 có nhiệm vụ với toàn chiến trường miền Nam chủ yếu là B2, B3 hỗ trợ B1 và Hạ Lào, cấp tiền cho chiến trường Campuchia gồm lực lượng của ta và lực lượng cách mạng Campuchia. Đơn vị cũng được giao nhiệm vụ theo dõi tiền quỹ ngoại tệ đặc biệt gửi Trung ương do B29 đại diện B, C32 thường xuyên giữ liên lạc với B29 Ngân hàng Ngoại thương để ghi chép số tiền mặt Trung ương chuyển vào Nam và theo dõi số tiền N2683 yêu cầu xuất ngoại tệ ở nước ngoài để trả cho người đổi tiền ở miền Nam. Với những thành tích đạt được, C32 được tuyên dương là đơn vị Anh hùng, trong đó có phần đóng góp rất quan trọng của Đoàn Cán bộ Ngân hàng B68.
Ấm nồng nghĩa tình đồng đội
Hơn 50 năm đã đi qua, trong đoàn cán bộ Ngân hàng đi B ngày ấy (gọi tắt là Đoàn B68) người còn, người mất. Có những người mà máu xương đã mãi mãi nằm lại lòng đất Mẹ ở tuổi thanh xuân đẹp nhất. 81 cán bộ ngân hàng B68 đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, được Đảng và Nhà nước công nhận liệt sĩ.
Với người lính, chiến tranh là một phần cuộc đời, có người thậm chí là cả cuộc đời. Những người còn sống sót trở về từ những tháng năm khốc liệt ấy đều có những hồi ức của riêng mình - những kỷ niệm mà họ gìn giữ, trân trọng và tự hào vì nó. Nhưng trên hết, là tình đồng đội ấm nồng mà họ dành cho nhau, cho những người đã ngã xuống và còn ở lại. Ban Liên lạc cán bộ Ngân hàng B68 được Ngành chấp thuận thành lập vào tháng 5/2003 không gì khác ngoài mục đích góp phần cùng với Ngành giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về chế độ, chính sách đối với đoàn cán bộ Ngân hàng B68.
Tiễn người yêu là cán bộ ngân hàng đi chiến trường B (ngày 2/5/1968) |
Từ khi thành lập tới nay, Ban Liên lạc đã tổ chức được hàng chục đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ B68 và đã tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ đưa về cho gia đình hoặc tổ chức an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ của địa phương. Xác minh và làm rõ nhiều trường hợp cán bộ B68 không rõ tin tức, địa chỉ ở các địa phương, trong đó có 14 trường hợp cán bộ B68 đã hy sinh, được công nhận là liệt sĩ. Cùng với đó, Ban Liên lạc cũng đã vận động, quyên góp xây dựng hàng chục căn nhà tình nghĩa, trợ cấp khó khăn cho các trường hợp B68; hỗ trợ xin việc làm cho nhiều trường hợp là con em các gia đình liệt sĩ B68; hỗ trợ các trường hợp khác còn tồn đọng về chế độ, chính sách với các gia đình liệt sĩ, thương binh B68. Có thể những việc làm được chưa phải là nhiều, nhưng đó đều là nghĩa tình nặng sâu mà đồng đội dành cho nhau.
Cùng nhau chiến đấu cả một thời hoa lửa, nay niềm vui lớn là được có cơ hội gặp gỡ nhau, tay bắt, mặt mừng. Được sự giúp đỡ và tạo điều kiện của Ngành, lãnh đạo Ngành đã đồng ý tổ chức họp mặt cán bộ Ngân hàng B68 toàn quốc nhiều lần và không ít lần tổ chức họp mặt cán bộ B68 từng khu vực. Song sâu thẳm trong tất cả vẫn còn canh cánh, khi vẫn còn hàng chục trường hợp liệt sĩ B68 chưa tìm được hài cốt, dù đã nhiều lần tìm kiếm.
Trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, với nhân dân của các cán bộ B68 ngành Ngân hàng sẽ khó có thể hoàn thành nếu thiếu đi sự hy sinh, cảm thông, sẻ chia và chịu đựng gian khổ của hậu phương các gia đình, của những người mẹ, người vợ, người em. Chiến công của đoàn B68 cũng là chiến công thầm lặng mà vẻ vang của các mẹ, các chị, các em...
Những ký ức hào hùng, gian khổ, hy sinh đã tạo nên những cán bộ Ngân hàng B68 đầy trí tuệ, can trường và trọn nghĩa, vẹn tình. Để dù có còn được gặp gỡ, được chuyện trò với nhau bao lần hay không, thì:
“Tình đời có trước, có sau,
Mong sao giữ trọn cho nhau chữ tình”.*
(*) Lời thơ của ông Văn Hồng Phương, Trưởng Ban Liên lạc Đoàn cán bộ Ngân hàng B68.
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Ban Liên lạc Đoàn cán bộ Ngân hàng B68).