Cuộc thử lửa khốc liệt với… ngành dệt may
Tạo việc làm để giữ chân người lao động đang là bài toán hóc búa với ngành dệt may |
100% người lao động được đảm bảo việc làm
Tập đoàn Dệt may Việt Nam với gần 160 nghìn người lao động đã và đang ngày đêm nỗ lực tìm ra nhiều giải pháp để không ai mất việc làm. Nhưng, đó sẽ là bài toán khó với Tập đoàn nếu tình hình tiếp tục không thuận lợi.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, ngay từ ngày đầu tiên quay trở lại công sở sau kỳ nghỉ Tết Canh Tý, Tập đoàn đã bắt đầu với cuộc họp khẩn cấp nhằm triển khai hàng loạt các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 với nhiều dự báo nhanh được đưa ra về những khó khăn sẽ phải đối mặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020.
Đó là sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu; cầu tiêu dùng dừng đột ngột, kéo theo hàng hóa đã sản xuất không thể xuất khẩu được; vật tư đã nhập về không thể đưa vào sản xuất; hàng hóa đã xuất khẩu không được thanh toán; đơn hàng mới không được đặt hàng…
Cùng với đó, tình trạng thiếu việc làm, thiếu nguồn tài chính đặt doanh nghiệp đứng trước rủi ro bị đứt thanh khoản, thiếu nguồn tiền để trả lương cho người lao động.
Trước bối cảnh như vậy, Vinatex đã xác định những mục tiêu cốt lõi phải bảo vệ lúc này là: tích cực chăm sóc và giữ chân khách hàng cũng như duy trì vị trí của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Áp dụng mọi biện pháp có tính hợp tác, chia sẻ giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, đội ngũ người lao động cần được duy trì để đảm bảo khi thị trường quay trở lại, doanh nghiệp có sẵn lực lượng để nhanh chóng phục hồi sản xuất, chiếm giữ thị trường và khách hàng.
Trên cơ sở đó nhiều phương án, giải pháp đã được chuyển đổi và triển khai ngay để thích ứng với tình hình mới. Các đơn vị thành viên đã tập trung phát triển nhanh, sáng tạo các mặt hàng phục vụ nhu cầu phòng chống đại dịch Covid-19, chủ yếu là khẩu trang và quần áo phòng dịch.
Bên cạnh việc xác lập và duy trì vị trí dẫn đầu trong sản xuất, dẫn dắt thị trường trong các mặt hàng này, các đơn vị bố trí thời gian sản xuất linh hoạt, chia sẻ khối lượng công việc ít ỏi với mục tiêu duy trì thu nhập và việc làm cho nhiều người lao động nhất có thể…
Với việc phản ứng nhanh nhạy, kịp thời và đưa ra các giải pháp sáng tạo, hiệu quả, Vinatex đã vượt qua 6 tháng đầu năm với kết quả đáng khích lệ so với mức độ suy giảm của thị trường. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất ước giảm khoảng15% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi dự báo giảm tới trên 30%; lợi nhuận hợp nhất ước giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi dự báo giảm tới 50%.
Đa số các đơn vị thành viên vẫn tạo ra lợi nhuận, ngoại trừ các doanh nghiệp ngành Sợi do khó khăn kéo dài về thị trường và bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến bất lợi.
Và điều quan trọng nhất, thành công lớn nhất là toàn hệ thống của Vinatex vẫn duy trì được việc làm cho 100% người lao động. Dù thời gian làm việc và thu nhập giảm nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với việc phải nghỉ và hưởng trợ cấp thôi việc.
Cuộc thử lửa khốc liệt
Mặc dù vậy, theo ông Lê Tiến Trường thách thức thực sự đối với Vinatex lại là thời gian tới đây và trước mắt là trong 6 tháng còn lại của năm 2020.
“Những khó khăn về thị trường Dệt may mà Vinatex đã đưa ra dự báo từ đầu năm là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi vẫn còn có một nguồn hàng kéo lại, đó là các sản phẩm khẩu trang và PPE (trang bị bảo hộ cá nhân) nói chung. Điều đó giúp các cơ sở sản xuất của Tập đoàn chưa bị lâm vào tình trạng thiếu việc làm trầm trọng, vẫn có thanh khoản tốt do bán hàng khẩu trang và PPE chủ yếu thu tiền trực tiếp, kể cả ứng trước. Thêm vào đó, đơn giá thời gian đầu cho xuất khẩu các sản phẩm này tương đối hiệu quả”, ông Trường cho hay.
Tuy nhiên, vị "tư lệnh" ngành dệt may cũng cho rằng tình hình sẽ khác rất nhiều đối với 6 tháng cuối năm, bởi lẽ: thị trường và nhu cầu PPE đang và sẽ thu hẹp rất nhanh. Đã có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu này sẽ gần như trở về mức cầu bình thường từ tháng 9/2020.
Trong khi đó tại Việt Nam, việc các nhà sản xuất ồ ạt lao vào mặt hàng này trong giai đoạn vừa qua đã dẫn tới nguồn cung lớn hơn cầu. Giá cả đã tới giới hạn của chi phí. Mặt hàng PPE không còn dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả. Việc trông đợi vào nhu cầu PPE như 6 tháng đầu năm là không còn thực tế.
Bên cạnh đó, dịch bệnh trên thế giới có giảm tốc nhưng chưa chấm dứt và cũng không ai có thể đưa ra dự báo về thời điểm các hoạt động xã hội sẽ trở lại bình thường. Các quốc gia đưa ra lệnh chấm dứt giãn cách, không bắt buộc sử dụng khẩu trang nữa nhưng việc làm và thu nhập của người dân vẫn chưa phục hồi. Điều này có tác động quan trọng và khiến mức cầu hàng hóa tiêu dùng chưa thể trở lại.
Ngoài ra, hành vi tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể. Các khảo sát gần đây trên cả thị trường quốc tế (do Deloitte thực hiện) và trong nước do Vinatex thực hiện đều cho chung một nhận định: ưu tiên về dược phẩm, thực phẩm và gửi tiền tiết kiệm là những ưu tiên hàng đầu của người dân. Quần áo tuy vẫn có vị trí thứ 4 trong danh mục ưu tiên nhưng sau tiết kiệm, do đó ngân sách dành cho hàng may mặc rất hạn chế. Xu thế tiêu dùng ít đi, sử dụng các mặt hàng cơ bản nhiều hơn, hạn mức mua sắm thấp đi… sẽ chi phối thị trường thời trang trong thời gian tới.
“Việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn. Giá thấp hơn. Áp lực của người mua lớn hơn. Đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm vừa qua, do Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội, nhờ đó thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ và EU đã tăng lên. Cuộc chiến giành lại thị phần sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới”, ông Trường nhận định.
Theo lãnh đạo Vinatex dự báo, 6 tháng cuối năm thị trường xuất khẩu có nguy cơ giảm tới 30-40% so với năm trước. Giá bán cũng sẽ chịu áp lực giảm, thời gian thanh toán kéo dài hơn, áp lực dòng tiền lớn hơn sẽ là chủ đề chi phối hoạt động của doanh nghiệp; việc làm không đủ cho toàn bộ hệ thống, thấp hơn cả mức có thể san sẻ của người lao động cho nhau để duy trì 100% việc làm.
Do đó, Vinatex sẽ triển khai giải pháp để có thể phục vụ được các mặt hàng cơ bản cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn. Tổ chức sản xuất trên cơ sở đội ngũ được thanh lọc, tinh nhuệ, đúng khu vực tạo ra giá trị. Tiếp tục tập trung tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chấp nhận cạnh tranh và sản xuất trong điều kiện khó khăn để duy trì hệ thống.
Ông Trường cũng cho rằng, mặc dù quy mô của thị trường nội địa nhỏ, chỉ chiếm 10% đối với năng lực của ngành, tuy nhiên vẫn cần được quan tâm như là một giải pháp cho tâm lý người lao động, khích lệ tinh thần sử dụng hàng Việt Nam…
“Trong 12 tháng tới đây sẽ là cuộc thử lửa khốc liệt đối với các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp dệt may. Vượt qua được 12 tháng tới, chúng ta mới có cơ hội để tiếp tục phục hồi và phát triển, đồng thời cũng là sự khẳng định năng lực của các doanh nghiệp còn tồn tại”, ông Trường nhấn mạnh.