Dấu hiệu tích cực cho condotel
Phân khúc Condotel liệu có “thăng hoa”? | |
Cấp “giấy khai sinh” cho condotel |
Bộ TN-MT ban hành văn bản 703 gửi Sở TN-MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.
Theo hướng dẫn của Bộ TN-MT thì điều 48 Luật Du lịch năm 2017 quy định căn hộ du lịch (thường được gọi là condotel), biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch. Việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các sản phẩm bất động sản này thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch, thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú.
Điểm đ, Khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai và Phụ lục 01 ban hành kèm Thông tư 27 ban hành năm 2018 của Bộ TN-MT quy định việc sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ.
Chế độ sử dụng loại hình đất này được quy định rõ tại Điều 153 Luật Đất đai. Thời hạn sử dụng đất được quy định tại Khoản 3, Điều 126 Luật Đất đai.
Theo đó, thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm.
Với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn, thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm. Người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được nhà nước xem xét gia hạn.
TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, cho hay: “Đây là một tín hiệu tốt đối với thị trường bất động sản của Việt Nam ngay đầu năm 2020, đặc biệt là dành cho các đơn vị đầu tư trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng. Nếu thông tư hướng dẫn này được chính thức triển khai, sẽ là một "cú đỡ" - một đòn bẩy rất lớn cho khu vực bất động sản nghỉ dưỡng, trong bối cảnh thị trường này đang bị ảnh hưởng sâu sắc từ dịch bệnh do virus corona hoành hành”.
Về cơ bản, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng hoạt động dựa trên 2 nguồn thu nhập chính, một là bán biệt thự nghỉ dưỡng và căn hộ nghỉ dưỡng, và thứ hai là từ các hoạt động, dịch vụ giải trí ở các dự án này.
“Trong thời điểm này, khi doanh thu của dịch vụ nghỉ dưỡng đang sụt giảm mạnh mẽ, chủ đầu tư sẽ tranh thủ tận dụng lợi thế từ việc người mua được quyền sở hữu sổ đỏ, sổ hồng trên tài sản sở hữu, để kích thích nhu cầu của người mua, từ đó bảo toàn được số vốn đầu tư ban đầu”, TS. Sử Ngọc Khương chia sẻ.
Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đây cũng được coi là một động thái tích cực trong bối cảnh thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý hay hạn chế trong nguồn cung. Họ cũng sẽ yên tâm hơn trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách sở hữu một loại hình tài sản mới như biệt thư second home, condotel hay officetel.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, từ việc hỗ trợ được các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, nhóm đối tượng có liên kết ngành mạnh với trên 50 ngành nghề liên quan: ngân hàng, xây dựng, vật liệu máy móc, du lịch… một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng sẽ từ đó được hưởng lợi.