Đầu tư vào năng lượng, kinh tế tư nhân cần điểm bẩy
Diễn đàn triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu: Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhưng ngành này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong khi nhu cầu ngày một tăng còn nguồn cung trong nước không đủ và phải nhập khẩu ngày càng nhiều.
Quanh cảnh diễn đàn |
“Năng lượng quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn năng lượng sơ cấp như than, điện, khí đang giảm khiến ta phải nhập khẩu ngày càng nhiều hơn. Nhập khẩu nhiều vừa giảm sự tự chủ của ngành năng lượng trong nước vừa phụ thuộc vào nhà cung cấp nhiều hơn”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu.
Để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ước tính từ nay đến năm 2030, tốc độ tăng về nhu cầu năng lượng mỗi năm tới 8%, tương đương mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt thêm 5 GW công suất mới. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính - từ nay đến năm 2030, mỗi năm ngành điện Việt Nam cần đầu tư mới khoảng 8-12 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Nghị quyết 55 đã đưa ra quan điểm đột phá, xác định phát triển năng lượng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập. Đồng thời từng bước hình thành thị trường năng lượng và khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
“Chủ trương đúng đắn về phát triển năng lượng quốc gia đã được Đảng đề ra trong Nghị quyết 55. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc mạnh mẽ, toàn diện”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, đồng thời nêu lên 5 vấn đề quan trọng.
Trước hết, cần sớm hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết, nhất là về xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả. Cần có cơ chế, chính sách đột phá để chuyển dịch năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, đồng thời cơ chế phải tạo thuận lợi cho huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển năng lượng quốc gia.
Thứ hai, cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phát triển năng lượng, kể cả trong lĩnh vực truyền tải điện.
Thứ ba, xử lý các vướng mắc về chính sách pháp luật hiện nay, tạo lập cơ chế, chính sách tạo điều kiện để hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng sạch và tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế.
Thứ tư, xây dựng mô hình, cơ chế, chính sách, về các giải pháp công nghệ đột phá trong phát triển năng lượng gắn với phát triển bền vững.
Thứ năm, hoàn thiện các cơ chế, chính sách là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; mối quan hệ hữu cơ, tác động đến các đối tượng chịu tác động của chính sách từ nhà nước - doanh nghiệp - người dân - các tổ chức xã hội, nghề nghiệp trong quá trình phát triển năng lượng đất nước.
Tại diễn đàn, đã có 50 ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện một số chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tư nhân đề nghị hoàn thiện cơ chế chính sách để phát triển ngành năng lượng và để khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn vào ngành năng lượng.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, phát biểu: "Việt Nam sẽ không đạt được tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đầy đủ nếu không có sự tham gia đầy đủ từ khu vực tư nhân”.
Đưa ra ba khuyến nghị chính, bà Caitlin Wiesen cho biết quan ngại nhất của các nhà đầu tư quốc tế là về thỏa thuận mua bán điện và họ cần thỏa thuận giảm thiểu rủi ro. Quan ngại nữa là chi phí giao dịch cao do sự phức tạp về pháp lý, kỹ thuật và vì cả giao dịch. Bà hy vọng Luật PPP sẽ mang lại cơ hội đầu tư cho đầu tư tư nhân.
Là một nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho biết Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã gỡ được nút thắt trong phát triển năng lượng. Nghị quyết là đòn bẩy với điểm đột phá nhất là tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia phát triển năng lượng.
Nhưng để đòn bẩy phát huy hiệu quả, để nghị quyết đi vào cuộc sống thì “kinh tế tư nhân rất cần có điểm bẩy. Điểm bẩy đó là hành lang pháp lý, là cơ chế chính sách và hành động của các bộ, ngành. Nếu không có điểm bẩy tốt, Nghị quyết không đi vào cuộc sống”, Tổng giám đốc của Tập đoàn Trung Nam phát biểu.