Đẩy mạnh định vị và nâng tầm thương hiệu Việt
Thương hiệu Việt nắm bắt nhu cầu khách hàng qua Lễ hội mua sắm toàn cầu 2020 | |
Nâng cao giá trị thương hiệu Việt trên sân nhà | |
Nâng thương hiệu Việt từ tăng cường kiểm soát nội bộ |
Nhiều sản phẩm Việt rất được người nước ngoài ưa chuộng |
Hiện nhiều sản phẩm Việt đã có tên tuổi trên thị trường quốc tế, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đang ngày càng được nâng cao đã minh chứng cho bước tiến trong nhận thức của DN về định vị thương hiệu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần nhiều chính sách, hành động thúc đẩy hơn nữa để sản phẩm “Made in Viet Nam” ngày càng được định vị vững chắc.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, Trưởng ban Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh Covid-19, nền kinh tế vẫn đạt tăng trưởng dương, xuất siêu kỷ lục… một phần phải kể đến những yếu tố liên quan đến thương hiệu của DN.
Đặc biệt sau 17 năm thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã hỗ trợ DN phát triển thương hiệu của mình. Số DN có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 DN năm 2008 lên con số 124 DN năm 2020. Thương hiệu Việt đã ngày càng phát triển mạnh mẽ cả trong nước lẫn trên thị trường quốc tế, góp phần nâng tầm thương hiệu quốc gia.
Minh chứng là theo báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance, Việt Nam nổi lên là “thiên đường” sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới (tăng 29%) lên đến 319 tỷ USD.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Phó ban thường trực, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam nhận định, DN Việt đã nhìn nhận được vai trò của thương hiệu góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, câu chuyện thương hiệu đã được quan tâm hơn.
Là DN năm đầu tiên được công nhận là Thương hiệu quốc gia, bà Phạm Thị Kim Loan - Chủ tịch HĐQT DN Khoa học và Công nghệ Ngân Hà chia sẻ: Thương hiệu quốc gia như “ISO” ở cấp siêu cao. Việc được công nhận là Thương hiệu quốc gia mang tới ý nghĩa tinh thần đối với nội bộ công ty rất lớn. Các đối tác cũng trân trọng giá trị mà danh hiệu này mang lại. Từ đó, DN tự giác phải cố gắng ở mức độ cao hơn nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.
Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin, thương hiệu 6 năm liền đạt Thương hiệu quốc gia cũng cho biết, danh hiệu này mang tới rất nhiều điều, đặc biệt là về mặt uy tín. Đơn cử như trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, thị trường nước ngoài sụp đổ rất nhiều, các nhà mua sản phẩm có sự lo ngại về chuỗi cung ứng. Khi Secoin công bố năm 2020 DN tiếp tục được công nhận là Thương hiệu quốc gia, cùng với việc tăng cường cho ra các sản phẩm mới, các đối tác có thêm niềm tin vững chắc vào công ty. “Đối với nội bộ công ty, đó là niềm tự hào của cả công ty, tạo ý chí mãnh liệt giúp họ tiếp tục có động lực làm ra các sản phẩm chất lượng. Thương hiệu đã cho DN rất nhiều giá trị để tiến lên phía trước”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Cũng chia sẻ câu chuyện về thương hiệu, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE cho rằng, bản chất của thương hiệu là lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm, thể hiện sự khác biệt với những sản phẩm cùng loại. Thương hiệu mang đến giá trị vô hình, không đong đếm là bao nhiêu tiền. Theo ông Phú, thương hiệu chiếm từ 10 - 20% giá trị của sản phẩm, và là một trong những thành tố chiếm giá trị cao nhất, chính vì vậy DN cần đẩy mạnh yếu tố này để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn nhiều DN chưa nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, một số khác lại mơ hồ trong việc xây dựng và định vị thương hiệu, nhất là đối với những DN muốn vươn ra thị trường quốc tế.
Theo ông Đinh Hồng Kỳ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, không chỉ đơn giản là chúng ta làm ra một sản phẩm tốt, giá rẻ, giao hàng đúng hạn… chúng ta phải làm ra những sản phẩm thế giới cần. Đó là một bài toán khó. Hiện nay sản phẩm Việt Nam muốn đưa ra nước ngoài gặp hai vấn đề đó là làm sao để phát triển, để vượt qua hàng rào thuế quan, kênh phân phối, logistics… Và vấn đề thứ hai là thiết kế bao bì sản phẩm. Hiện DN Việt chỉ quan tâm đến những mẫu mình thích, nhưng chưa phù hợp với thị trường để đưa sản phẩm Việt Nam hòa nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV cũng cho rằng, nếu muốn hướng đến thị trường toàn cầu thì DN phải có tầm nhìn khác. Bởi phần lớn các quốc gia thành công trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia đó là hướng DN đến thị trường toàn cầu. “Khi đã chiến đấu ở thị trường thế giới dù không thắng nhưng cũng sẽ chiến thắng trên sân nhà”, ông Sơn nhấn mạnh.