Nâng cao giá trị thương hiệu Việt trên sân nhà
Người tiêu dùng Việt chuộng hàng nội địa | |
Lấy lại thị trường cho hàng Việt | |
TP. Hà Nội: Tháng kích cầu hàng Việt |
Hàng Việt phục vụ người Việt
Lấy ví dụ câu chuyện của ngành thực phẩm, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các DN Việt khá thành công ở thị trường quốc tế, Việt Nam trở thành nguồn cung của nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên lại chưa được như vậy ở thị trường nội địa.
Những con số ấn tượng cho thấy ngành thực phẩm, chế biến, đồ uống đóng góp 15% GDP, tiềm năng của thực phẩm, đồ uống rất cao khi chiếm 35% chi phí trong gia đình Việt. Bên cạnh đó, trong một thị trường gần 100 triệu dân với lượng khách du lịch tăng nhanh, người Việt ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và sẵn sàng chi trả đối với những mặt hàng “ngon, bổ, hợp lý”. Dù tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn, nhưng theo bà Loan, các DN Việt đang thờ ơ trên chính sân nhà.
Hàng hóa Việt Nam hoàn toàn có đủ chất lượng để cạnh tranh với hàng hóa ngoại |
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, hiện nay các DN vẫn chưa coi thị trường nội địa như “mặt trận” chính. “Đó là một sai lầm. Nếu chúng ta không nhanh chiếm lĩnh, sau này muốn quay lại rất khó. Đã đến lúc các DN xem lại thị trường mục tiêu, chính là thị trường nội địa”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, thực tế đang cho thấy, những hàng hóa tốt nhất của Việt Nam hầu hết để đem đi xuất khẩu. “Tại sao người Việt Nam chỉ được dùng hàng thứ cấp sau khi hàng tốt đã mang đi phục vụ người tiêu dùng các nước khác? Đó là điều bất công và chúng ta cần khôi phục lại”, bà Loan cho biết.
Theo đó, tư duy mới là cần cung cấp sản phẩm cho thị trường nội địa như thị trường nước ngoài vì yêu cầu của người Việt ngày càng cao và đa dạng, đồng thời với giá cả hợp lý, theo hướng “hàng nội địa nhưng chuẩn toàn cầu”.
Trong đó, bao bì đóng gói là rất quan trọng, bởi vì ngoài tác dụng ngăn chặn lại sự ô nhiễm, an toàn thì cũng là chỉ dẫn, có mã vạch, cung cấp đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ cho người dùng, cũng là thứ thu hút khách hàng đầu tiên. Đơn cử, với nhiều sản phẩm trên cùng một quầy, khách hàng chắc chắn sẽ lựa chọn sản phẩm có bao bì ấn tượng nhất để tham khảo. Dẫn nhận xét thú vị của chuyên gia nước ngoài, đó là “Nhận thức của người tiêu dùng Việt đang càng được mở rộng hơn, không chỉ nhìn ngày hết hạn trên bao bì, người Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến ngoại hình và vẻ đẹp của sản phẩm”, bà Loan cho rằng các DN cần cải thiện yếu điểm này để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Các DN Việt hiện nay đa số có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, chưa chủ động liên kết với thị trường, hạn chế về thương hiệu…
Đừng để thua trên sân nhà
Ngày 1/8 tới đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực. Theo đó, đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO. Rõ ràng, hàng hóa các nước EU sẽ vào Việt Nam với nhiều ưu đãi hơn, tạo nên một cuộc cạnh tranh giữa hàng hóa Việt và các nước ngay trên chính thị trường nội địa. Vì vậy, theo các chuyên gia, DN Việt phải chuẩn bị sẵn sàng trước cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, hàng hóa của các nước EU thường đã có tên tuổi, có phẩm cấp và uy tín. Theo lộ trình giảm thuế của EVFTA, vẫn có thời gian từ 3-5 năm để các DN Việt chuẩn bị, nếu không nhanh chóng đổi mới sản phẩm, đảm bảo chất lượng, phẩm cấp thì sẽ khó cạnh tranh với hàng hóa các nước EU.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan cũng nhấn mạnh, hiện tại DN Việt còn cần cạnh tranh ngay với cả các nước ASEAN. Bởi lẽ, các quốc gia này cũng đang có những bước đi rất mạnh, sáng tạo. Nếu chậm chân, DN sẽ thua ngay trên sân nhà bởi chính các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, thời điểm hiện tại khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường nội địa sẽ trở thành cứu cánh cho các DN Việt tồn tại. Vì vậy, theo các chuyên gia, DN cần có những sự thay đổi về nhận thức, tư duy và cả hành động. Cụ thể đó là xác định kênh phân phối bán lẻ phù hợp, tăng cường liên kết giữa các DN để tạo nên những chuỗi cung cầu hợp lý. Các chuyên gia cũng kiến nghị về việc xây dựng cổng thông tin minh bạch, ở đó các nhà bán lẻ sẽ công khai quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, người tiêu dùng thì nắm được thông tin về sản xuất hữu cơ, nông sản sạch để lựa chọn. Ngoài ra, DN cần nâng cao năng suất lao động để từ đó hạ giá thành sản phẩm, tổ chức sản xuất quy mô lớn và chia đều lợi ích của chuỗi giá trị trong sản xuất. Cuối cùng là phải xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh, từ đó mới từng bước chiếm lĩnh được sân nhà.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, một sân chơi công bằng cho các thành phần kinh tế cả trong và ngoài nước, đồng thời có các hành động hỗ trợ liên kết, xúc tiến thương mại.
Theo đại diện Bộ Công thương, thời gian tới sẽ có những hành động cụ thể như phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển; Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam của các doanh nghiệp Việt Nam; Tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng; Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.