Để ngành gỗ duy trì chuỗi sản xuất
Cổ phiếu ngành gỗ có cơ hội trong đại dịch? | |
Ngành gỗ và lâm sản nỗ lực xuất khẩu | |
Ngành gỗ hướng tới xuất khẩu 14 tỷ USD |
Theo kết quả khảo sát nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, tại thời điểm từ cuối tháng 7 đến ngày 3/8/2021 đối với 162 doanh nghiệp gỗ trên địa bàn các địa phương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh, với tổng số lao động gần 68.000 người trước dịch, thì có khoảng 60% số doanh nghiệp duy trì được sản xuất theo quy định “3 tại chỗ”, số còn lại (40%) phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được quy định. Việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” là chủ trương đúng đắn, để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, giữ một phần các đơn hàng và duy trì được thị trường.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, khi thực hiện, các doanh nghiệp đã gặp một số khó khăn như gánh chi phí cho người lao động để test nhanh cách 3 ngày/lần và test PCR 7 ngày/lần; theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện giá làm test Covid cho doanh nghiệp với hợp đồng từ 100 người trở lên ở mức 280 ngàn đồng/bộ, mức giá test ở phòng khám khi thực hiện test lẻ từ 300- 350 ngàn đồng/bộ. Ở tỉnh Đồng Nai, chi phí xét nghiệm RT-PCR cho công nhân tăng cao, từ khoảng 1.500.000 đồng-2.000.000 đồng/người/lần test. Với quy mô hàng nghìn lao động thì doanh nghiệp đang phải chịu chi phí dịch vụ xét nghiệm rất cao, sẽ là gánh nặng. Ngành gỗ hiện có gần 1 triệu lao động. Nhưng tới thời điểm này, đội ngũ người lao động trong ngành được tiêm vaccin phòng dịch còn rất ít. Qua ghi nhận ở các địa phương, mới có khoảng từ 10-15% số lao động trong doanh nghiệp gỗ được tiêm vaccine.
Cũng theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ nguồn lực khi dịch kéo dài 2 năm qua, nay khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, phải bố trí chỗ ăn ngủ, chi phí y tế, hậu cần tại chỗ... Do đó, chi phí đầu vào liên tục tăng cao; doanh nghiệp phải giảm lượng công nhân sản xuất chỉ còn khoảng 20-40% so với trước, nên công suất nhà máy sụt giảm, kéo theo doanh thu của doanh nghiệp cũng giảm mạnh. Như vậy, nếu duy trì sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài, có thể sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản…
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản đề nghị các địa phương có dịch bệnh bùng phát cân nhắc việc áp dụng phương án sản xuất “3 tại chỗ” đối với doanh nghiệp duy trì sản xuất, tùy từng khu vực, vùng có mức độ dịch bệnh khác nhau mà áp dụng phù hợp. Đối với doanh nghiệp ở những khu vực, vùng chưa xuất hiện F0 và việc đi lại của công nhân tập trung chủ yếu trên một tuyến đường, có cự ly ngắn thuận lợi cho việc giám sát phòng dịch thì cho áp dụng mô hình “2 tại chỗ, một cung đường”, doanh nghiệp có trách nhiệm phải đưa đón công nhân đi về và thực hiện nghiêm ngặt việc phòng chống dịch…; Kiến nghị Chính phủ xem xét quy định việc xét nghiệm Covid-19 là loại dịch vụ phi lợi nhuận, do Chính phủ điều tiết với khung giá thống nhất và giao cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất ở những nơi dịch bệnh đang bùng phát, đặc biệt là đối với doanh nghiệp sản xuất theo phương thức 3 tại chỗ; Kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp cụ thể như được giảm, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế liên quan và hoãn nộp bảo hiểm xã hội; được miễn tiền thuê đất năm 2021 và thực hiện giá thuê đất 5 năm giai đoạn sau; tiếp tục được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo việc chi trả cho người lao động.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 6/2021, đạt 1,558 tỷ USD, tăng 64,51% so với tháng 6/2020, tính trung bình giá trị xuất khẩu của mỗi tháng đạt gần 1,4 tỷ USD/tháng. Trong tháng 7, do dịch bùng phát ở 4 trung tâm chế biến gỗ lớn, khiến giá trị xuất khẩu của toàn ngành đạt khoảng 1,19 tỷ USD, giảm 28% so với tháng 6.
“Mặc dù tháng 7 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có giảm, nhưng với kết quả 6 tháng đầu năm đạt được và nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 vẫn có thể đạt khoảng từ 15,0-15,5 tỷ USD (tăng khoảng từ 20-25% so với năm 2020)”, ông Lập cho biết.