Ngành gỗ hướng tới xuất khẩu 14 tỷ USD
Ngành gỗ xuất khẩu vẫn bứt phá | |
Ngành gỗ bàn cách vượt khó | |
Ngành gỗ lấy lại phong độ |
Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã khiến 6.000 DN tại Việt Nam bị ảnh hưởng, đặc biệt là trên 1.600 DN trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản. Có những DN đã phải dừng hoạt động, khiến công tác bảo vệ rừng gặp nhiều áp lực. Cùng với đó, từ tháng 6 đến tháng 9/2020, hiện tượng thời tiết bất thường như nắng nóng, khô hạn đã gây cháy rừng, khiến hàng trăm ha rừng ở miền Trung bị ảnh hưởng.
Chưa hết, từ tháng 9 đến tháng 11, hiện tượng thiên tai cực đoan bão chồng bão gây mưa lớn kéo dài dẫn đến nhiều diện tích rừng bị sạt lở, trên 115 nghìn ha rừng bị ảnh hưởng. Năm 2020 cũng là năm cạnh tranh thương mại trên thế giới diễn ra khốc liệt.
Ngành gỗ sẽ cố gắng giữ đà tăng trưởng 5,0 - 5,5% trong năm 2021 |
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã kịp thời đưa ra những nhận định rất sát với tình hình và khẩn trương có chỉ đạo hướng dẫn ngành lâm nghiệp. Chính vì thế, cùng với nỗ lực của bản thân, năm 2020, các DN trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đã vượt khó thành công. Trong năm, cả nước đã trồng trên 230 nghìn ha rừng, đạt 105% kế hoạch năm, trong đó, trồng rừng đặc dụng, phòng hộ là 10.143 ha, trồng rừng sản xuất là trên 220 nghìn ha, đạt 105% kế hoạch; trồng cây phân tán: 77,4 triệu cây; chăm sóc rừng trồng: 540 nghìn ha; khoanh nuôi tái sinh: 210 nghìn ha...
Theo TS. Phạm Văn Điển, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, một số tỉnh hoàn thành và vượt kế hoạch trồng rừng, gồm: Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình và Quảng Nam; Các tỉnh khoanh nuôi tái sinh hoàn thành và vượt kế hoạch như: Khánh Hòa, Quảng Bình, Phú Yên, Sơn La và Nghệ An.
Riêng với lĩnh vực bảo vệ rừng, đã giảm được trên 1.000 ha rừng bị thiệt hại, đây là kết quả rất ý nghĩa trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Qua đó đảm bảo độ che phủ rừng đạt 42%, tăng so với năm 2019 là 0,11%.
Về công tác xuất khẩu, nửa đầu năm có thời điểm kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng trưởng âm do chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, song Tổng cục Lâm nghiệp đã luôn chủ động, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản để nắm bắt tình hình. Từ đó, tham mưu, đề xuất với Bộ NN&PTNT các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời cập nhật và hướng dẫn các DN xử lý các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, không chỉ giúp DN giảm bớt khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất, duy trì đà tăng trưởng của toàn ngành mà đằng sau đó là thu nhập của người lao động, sinh kế của người trồng rừng, hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu lâm sản lội ngược dòng ngoạn mục.
Kết quả là, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ năm 2020 đạt 13,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với năm 2019, đóng góp 31% tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp, đạt gần 5% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia. Xuất siêu toàn ngành cả năm đạt 10,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2019. Thực hiện phát triển song song thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, nhưng thế mạnh vẫn là xuất khẩu, đưa Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang có mặt tại trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, cùng với việc phát triển rừng sản xuất, tổng sản lượng nguyên liệu gỗ của Việt Nam đã đạt 21 triệu tấn, đáp ứng được 80% nhu cầu chế biến gỗ trong nước. Công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục đạt kết quả theo hướng tích cực, với doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng - nguồn thu dịch vụ môi trường rừng quan trọng, góp thêm nguồn lực hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng, quản lý rừng bền vững, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện cam kết về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ che phủ rừng ở 3 khu vực trọng điểm là Tây Bắc, Tây Nguyên và rừng ven biển chưa yên tâm. Do 3 khu vực này liên quan tới an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, sự phát triển bền vững về địa hình, đặc biệt, rừng ven biển thâm thủng quá lớn trong khi khả năng phục hồi chậm. Do đó, năm 2021 cần tập trung cao độ cho 3 khu vực này.
Đồng thời, Tổng cục Lâm nghiệp cũng cần sớm hoàn thiện đề án “Trồng một tỷ cây xanh” giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng phát động, và hoàn thiện đề án Thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu, trên cơ sở bảo vệ bền vững môi trường rừng…
Mặc dù còn nhiều thách thức, trong năm 2021, ngành lâm nghiệp vẫn đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0-5,5%; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 14 tỷ USD. Song song với đó, thực hiện cấp chứng chỉ Quản lý rừng bền vững năm 2021, hoàn thành việc công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng quốc tế. Triển khai rộng rãi việc cấp chứng chỉ rừng theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.