Để ngành hồ tiêu Việt Nam phục hồi, lấy lại vị thế
Ngành hồ tiêu Việt Nam cần giải pháp để phục hồi, lấy lại vị thế trên thị trường xuất khẩu |
Sản lượng hồ tiêu sụt giảm
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam tháng 12/2021 đạt 15.000 tấn, trị giá 71 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với tháng 11/2021. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của nước ta ước đạt 261 nghìn tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng.
Số liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng hồ tiêu xuất khẩu chỉ đạt 77,81 nghìn tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định nhu cầu thu mua trên thế giới trong quý I/2022 ước tính từ 130.000 - 160.000 tấn, trong khi tổng sản lượng thu hoạch của Việt Nam cả năm chỉ khoảng 150.000 tấn.
Vấn đề giảm sản lượng hồ tiêu diễn ra trên diện rộng. Đơn cử tại khu vực trồng tiêu miền Đông (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Tây Nguyên (Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai) - hai vùng trọng điểm có diện tích trồng tiêu chiếm hơn 90% diện tích hồ tiêu cả nước - đã ghi nhận nhiều vùng sụt giảm từ 20-30% sản lượng. Trong đó, vùng trồng tiêu ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã thu hẹp diện tích do gặp thời tiết bất lợi khiến hoa rụng, ra hoa không đồng loạt khiến năng suất và sản lượng giảm. Tại các vùng sản xuất tiêu ở các huyện Thuận Hà, Nam Bình và Đắk Hòa (Đắk Nông), sản lượng hồ tiêu của các hộ trồng cũng giảm khoảng 25-30% do mưa sớm vào năm 2021. Thậm chí, một số hộ trồng tiêu ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) ước tính sản lượng giảm hơn 40%.
Theo VPA, sản xuất hồ tiêu Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục gặp bất lợi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cùng các nguyên nhân khách quan như sốt giá đất, giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, chí phí nhân công tăng. Do đó, dự báo năm 2022 sản lượng hồ tiêu của Việt Nam giảm so với năm 2021, qua đó sẽ làm cho giá hồ tiêu tiếp tục tăng lên.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan, mặc dù giảm sản lượng xuất khẩu 16,6% nhưng trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hồ tiêu vẫn thu về trên 362,73 triệu USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhanh chóng tìm hướng phục hồi
Để ứng phó với việc sụt giảm sản lượng hồ tiêu, trước đó nhiều nông dân đã chuyển sang áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Global Gap để nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm hồ tiêu. Ông Đặng Tấn Huynh, một hộ trồng tiêu tại huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch hơn 1 ha. Do thời tiết bất thường, hồ tiêu năm nay chín sớm hơn mọi năm khoảng 15 ngày. Nếu sản xuất theo mô hình cũ giá tiêu chỉ khoảng 45.000 - 60.000 đồng/kg nhưng với hồ tiêu an toàn, chất lượng cao, giá đã lên mức 85.000 đồng - 230.000 đồng/kg. Với sản lượng gần 3 tấn, doanh thu dự kiến hơn 500 triệu đồng, trừ các chi phí gia đình ông hưởng lãi trên 300 triệu đồng vụ thu hoạch năm nay.
Bên cạnh đó, một số địa phương còn xây dựng kế hoạch quy hoạch những vùng sản xuất hồ tiêu tập trung quy mô lớn, tiếp tục hỗ trợ người dân về kỹ thuật canh tác, đồng thời định hướng việc xây dựng các thương hiệu để xúc tiến quảng bá nâng cao giá trị hồ tiêu.
Ngoài ra, một số tỉnh còn tăng cường quản lý về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tuyệt đối không để giống hồ tiêu kém chất lượng, nhiễm bệnh, vật tư kém chất lượng đưa vào sản xuất gây thiệt hại cho nông dân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngành hồ tiêu Việt Nam muốn khôi phục lại vị trí trên thị trường thế giới như những năm trước đây vẫn cần nhiều hơn nữa sự đồng lòng của nông dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Theo đó, nông dân và doanh nghiệp cần được hỗ trợ thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về diện tích sản xuất của Việt Nam và thế giới, về các khâu chế biến, lưu thông, tiêu thụ từ Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Các chính sách hỗ trợ như đề cập tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Nghị định 98/2018/NĐ-CP... cần được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Trong đó, vai trò kết nối và hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là rất quan trọng.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA đề xuất, các bộ, ngành có liên quan đến hồ tiêu mà chủ chốt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có liên kết ngành hàng, liên kết chặt chẽ hơn với địa phương để đảm bảo khả năng cung cấp, duy trì bền vững nguyên liệu vì rất dễ bị ảnh hưởng do thời tiết, sâu bệnh.
Công tác thống kê, cập nhật yếu tố mùa vụ có hại cho ngành tiêu cũng cần được quan tâm. Đặc biệt, cây tiêu là sinh kế của rất nhiều nông dân, đóng góp chính vào nguồn thu cho nhiều địa phương nên cần tuyên truyền để địa phương hiểu và coi phát triển ngành tiêu là nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VPA khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận mô hình liên kết trực tiếp tại vùng nguyên liệu với nông dân, có thể từ 10, 20 hay 30 hộ nông dân cùng trong diện tích doanh nghiệp canh tác thực hiện chung quy trình sản xuất, được hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện đưa ra sản phẩm có tính đồng nhất cao hơn; phải xây dựng vùng sản xuất lớn hơn, có vậy mới đảm bảo tính thống nhất cao hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thuận lợi khi tìm được nguồn hàng xuất khẩu.
Khả năng mở rộng liên kết cũng tùy thuộc vào khả năng tài chính và năng lực xuất khẩu của từng doanh nghiệp. Bởi khó khăn ở đây là doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn để đủ sức bao quát vùng nguyên liệu từ khâu trồng, sản xuất cho đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường. Do đó, nếu doanh nghiệp nào nguồn vốn mỏng thì nên chờ thêm các đơn hàng mới, nguồn lực tài chính dày hơn thì mở rộng từ từ chứ không thể mở rộng liên kết trong "một chốc một lát", bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.