Để Trung du và miền núi Bắc bộ chuyển mình bứt phá
1.000 dân mới có 2,7 doanh nghiệp
Là vùng phên dậu của quốc gia với 2.000 km biên giới với Trung Quốc và Lào, Trung du và miền núi Bắc bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; là vùng đảm bảo về an ninh môi trường sinh thái, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước.
Thế nhưng Trung du và miền núi Bắc bộ cũng là nơi khó khăn nhất nước. Tỷ lệ hộ nghèo nơi đây cao nhất nước, thu nhập của người dân thấp và khoảng cách về thu nhập so với cả nước đang có xu hướng doãng ra. Theo số liệu thống kê, năm 2020 quy mô tổng sản phẩm GRDP của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ chỉ đạt 689.200 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 54,2 triệu đồng (2.334 USD).
Đây cũng là nơi có ít doanh nghiệp nhất, toàn vùng có 26.470 doanh nghiệp, bằng 4% tổng số doanh nghiệp cả nước, mật độ doanh nghiệp ở thời điểm 31/12/2020 là 2,7 doanh nghiệp/1000 dân chỉ bằng 1/3 mật độ chung cả nước. Tăng trưởng kinh tế của vùng chưa bền vững và đang có xu hướng chững lại, chất lượng tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Các tỉnh trong vùng chưa cân đối được ngân sách.
Bởi vậy, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, liên kết và lan tỏa, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của cả nước… là quyết tâm của lãnh đạo, là mong muốn của người dân ở 14 địa phương trong vùng.
Trăn trở với sự phát triển của địa phương và của vùng, lãnh đạo 14 tỉnh trong vùng cùng một đề xuất Chính phủ sớm có Quy hoạch phát
Ảnh minh họa |
triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc đồng bộ, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch chuyên ngành quốc gia, như Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030. Làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư, liên kết, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội vùng.
“Thiếu quy hoạch, không có quy hoạch sẽ khó khăn trong định hướng phát triển toàn vùng và địa phương”, ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái phát biểu và đề nghị các tỉnh liên kết, chia sẻ thông tin về định hướng phát triển, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh để từ đó phối hợp tạo các chiến lược phát triển.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Trong khi đó Trung du và miền núi Bắc bộ có khá nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững như nằm trên hành lang kinh tế Bắc - Nam thuộc hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), là một trong những cửa ngõ thông ra biển và kết nối với ASEAN của các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Bên cạnh đó, nơi này còn có nhiều tài nguyên và khoáng sản, có văn hóa phong phú và đặc sắc của 32 dân tộc, có điều kiện về địa hình và những vùng khí hậu riêng biệt, có những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà cả thế giới cũng phải đến đây để chiêm ngưỡng…
Nhưng vùng này cũng có nhiều bất lợi, vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, cơ sở hạ tầng thiếu. “Không có giao thông sẽ không giải quyết được vấn đề kết nối giữa các tỉnh, giữa vùng kinh tế và cả liên kết nội vùng”, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu.
Đây cũng là lý do mà lãnh đạo các tỉnh trong vùng tha thiết với đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới giao thông kết nối hiện đại, đồng bộ, Những đề xuất làm thêm đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, sân bay Sa Pa, mở rộng Sân bay Điện Biên đã được nói lên.
“Hệ thống giao thông kết nối sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, vận chuyển hàng hóa, hành khách, thu hút đầu tư và liên kết giữa các khu, điểm du lịch trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để khai thác và phát huy lợi thế về du lịch của mỗi địa phương”, Chủ tịch Tuyên Quang nói. “Mong muốn của chúng tôi là mở không gian phát triển. Đề xuất làm sân bay không phải chỉ cho Lào Cai mà cho cả vùng. Khách tới Sa Pa rồi đến các tỉnh trong vùng, như thế sân bay Sa Pa không chỉ của Lào Cai mà của cả Yên Bái…”, ông Trịnh Xuân Trường – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu.
Để tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương hướng tới sự phát triển, thịnh vượng cho cả vùng kinh tế trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh trong vùng nhấn mạnh tới các cơ chế chính sách thu hút đầu tư và ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó là vấn đề nguồn lực, giai đoạn 2021-2020, dự kiến tổng nhu cầu kế hoạch vốn toàn vùng là 394.707,976 tỷ đồng. Chủ tịch Lào Cai hy vọng 1 đồng đầu tư công sẽ thu hút được 4 đồng đầu tư tư nhân.
"Làm được những điều này sẽ là những trợ lực để khai thác được tiềm năng của khu vực một cách tối ưu. Các tỉnh trong vùng đã sẵn sàng, khát vọng của người dân trong vùng đã được hun đúc trong suốt những năm qua. Giờ đây đang rất cần những cơ chế chính sách tốt để tạo điều kiện cho vùng này phát triển…”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ phát biểu.
Phó trưởng ban Kinh tế trung ương - PGS.TS. Phạm Hồng Sơn cũng kỳ vọng với tư duy và lợi thế của người đi tìm niềm tin, khát vọng của người dân được khơi dậy, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về phát triển vùng, cộng với những cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ sẽ không còn tụt hậu đi sau, sẽ thoát khỏi vùng trũng phát triển, bước tới thịnh vượng.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dự báo trong giai đoạn 2021-2030 GRDP của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ sẽ tăng bình quân 9,7%/năm. Trong đó giai đoạn 2021-2025 GRDP tăng 9,5%/năm. |