Để TTCK thành kênh vốn quan trọng của nền kinh tế
HNX: Kênh vốn quan trọng của nền kinh tế |
NHNN chung tay hỗ trợ TTCK
Tham luận tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để cùng chung tay, hỗ trợ sự phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững của TTCK trong năm 2024 và các năm tiếp theo, trong thời gian tới, NHNN sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững, thu hút nguồn lực, vốn đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK.
“Việc NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với tình hình thực tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá hối đoái sẽ góp phần làm cho các chính sách thu hút nguồn vốn từ nước ngoài đạt được hiệu quả cao hơn, giúp tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư về một môi trường kinh doanh ổn định, tạo ra các bước đệm về sau trong việc thu hút thêm nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư và phát triển TTCK trong tương lai”, Phó Thống đốc nói.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho biết, trong bối cảnh nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế lớn và chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, tín dụng trung dài hạn trong hệ thống ngân hàng chiếm tỷ trọng khá lớn đã và đang tạo sức ép và rủi ro cho hệ thống TCTD khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn.
Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính, phát triển TTCK ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối, bổ trợ tích cực giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, NHNN kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về TTCK nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp cho TTCK phát triển...
Cần sớm nâng hạng TTCK
Bàn về triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, năm 2024 là năm tăng tốc và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025. Do vậy, việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực là một trong những mục tiêu quan trọng, trong đó có việc huy động vốn thông qua TTCK.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng quan điểm với NHNN là phải khẩn trương hoàn thành nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thời gian gần đây, khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều”, bà Ngọc bày tỏ, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển TTCK năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành làm căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, không bị chồng chéo.
Bên cạnh đó cần phải chuyên nghiệp hơn nữa hoạt động của TTCK, vì trên TTCK hiện nay chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và một số quỹ, thiếu vắng các công ty đầu tư chuyên nghiệp. Vì vậy, cần tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho TTCK trong đó, cần chú trọng đến tài chính xanh và phát triển bền vững - những vấn đề được các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm; khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt là công tác cảnh báo sớm…
Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam, cũng cho rằng, khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng lớn hơn. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng thực tế bình quân đầu người hằng năm khoảng 5,95% trong hai thập kỷ tới. Tham vọng này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế này, trong đó thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng. TTCK đã đạt được mức vốn hóa khoảng 6 nghìn tỷ (247 tỷ USD) (khoảng 57% GDP) vào năm 2023, và thậm chí từng đạt kỷ lục 93% GDP vào năm 2021, càng nhấn mạnh về tiềm năng huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ quyết tâm nâng hạng TTCK, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.
Nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan tập trung xây dựng và triển khai ngay các chương trình hành động cụ thể về thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường...
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của TTCK theo hướng hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số; nâng cao chất lượng quản lý, giám sát thị trường; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, các định chế thị trường, các nhà đầu tư tham gia TTCK Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, NHNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp, xử lý nhanh chóng, sớm có kết quả các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (báo cáo kết quả trước ngày 30/6/2024)...
Các công ty chứng khoán cần đẩy mạnh tái cấu trúc, công ty quản lý quỹ theo Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025"; nâng cao năng lực quản trị công ty, quản trị rủi ro, tăng khả năng cạnh tranh của các công ty trên thị trường; phát triển chuyên nghiệp các dịch vụ được phép hoạt động…