Dệt may lo trễ đơn hàng vì dịch bệnh
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG (TNG) chia sẻ, công ty có hơn 100 cửa hàng kinh doanh, bày bán hàng may mặc nhưng do tình hình kinh doanh khó khăn cho nên đã đóng cửa gần hết các cửa hàng để tập trung vào làm hàng xuất khẩu. Theo dự kiến, doanh thu nội địa của công ty sẽ bị giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số doanh nghiệp may mặc lớn trong nước cũng cho biết doanh thu nội địa đang có chiều hướng sụt giảm. Mặc dù các doanh nghiệp đều phải đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, nhưng cũng không khá khẩm hơn nhiều. Việc người dân thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh dịch bệnh khiến các mặt hàng như vest, đồ công sở… vốn đem lại nguồn thu cao, đã không còn được ưu tiên trong mua sắm.
Ảnh minh họa |
Dạo một vòng quanh các con phố “thời trang” của Hà Nội như: Cầu Giấy, Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc… gần như toàn bộ các cửa hàng đều đã đóng cửa, chuyển sang phương thức bán hàng online để phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, chia sẻ của nhiều chủ cửa hàng cho biết doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Không chỉ với các thương hiệu nhỏ, ngay cả với các cửa hàng nhượng quyền từ thương hiệu thời trang lớn trong nước cũng không ghi nhận doanh thu khả quan hơn.
Thị trường nội địa gặp khó khăn, các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng hơn vào thị trường xuất khẩu. Thực tế, tình hình xuất khẩu dệt may trong 6 tháng đầu năm đã đạt kết quả khả quan, cụ thể dệt may xuất khẩu 15,2 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ.
Các đơn hàng cũng trở lại nhiều hơn, nhiều doanh nghiệp cho biết đã có đơn hàng đến hết quý III, giá trị đơn hàng cũng tăng, như với TNG, giá trị đơn hàng tính đến thời điểm hiện tại là 190 triệu USD. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng, nhiều doanh nghiệp đang “ngồi trên đống lửa” vì lo sẽ chậm trễ hàng giao cho khách vì thiếu lao động. Trường hợp giao đúng hẹn thì cũng không lời lãi được bao nhiêu vì đủ mọi loại chi phí đang tăng cao đè nặng lên doanh nghiệp.
Chẳng hạn TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quy định chỉ cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất với các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện phương châm “3 tại chỗ gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ hoặc phương án “một cung đường - 2 địa điểm” - vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân. Ngoài ra, phải xét nghiệm đối với công nhân định kỳ 7 ngày/lần, tự chi trả chi phí. Do không đáp ứng được các điều kiện này, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động tạm thời, dẫn đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.
Thông tin từ Hội Dệt may thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ số ít doanh nghiệp dệt may trên địa bàn thành phố có thể tiếp tục sản xuất từ ngày 15/7 trong điều kiện công nhân phải ăn ở tại chỗ. Còn phần lớn nhà máy tạm dừng hoạt động. Hơn nữa, nếu may mắn được hoạt động, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí lo ăn ở, xét nghiệm định kỳ cho công nhân không phải nhỏ.
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 thông tin, ngoài việc nguyên phụ liệu nhập khẩu bị ách tắc ở một số cảng của Trung Quốc, công ty còn đang phải đối mặt với khó khăn khi một số nhà cung ứng nguyên liệu ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam phải dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Thiếu nguyên liệu, các đơn hàng có khả năng trễ hẹn, tuy nhiên việc xin khách hàng lùi thời hạn giao hàng là một việc rất khó trong lúc này.
Cũng trong tình trạng lo lắng sẽ bị phạt chậm trả hàng, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch May Hưng Yên cho biết, chỉ cần dừng sản xuất khoảng từ 2 tuần - 1 tháng, doanh thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 10%.
Trong khi đó do thiếu container rỗng, giá vận chuyển ở một số cảng đã tăng gấp nhiều lần so với giá mấy tháng trước. Tình trạng ùn tắc cũng đang diễn ra khi các địa phương có quy định phòng dịch khác nhau, tài xế phải có nhiều loại giấy tờ mới được cho qua.
Giá của đơn hàng không tăng, nhưng chi phí đội chi phí khiến phần lãi của doanh nghiệp sụt giảm. Một số doanh nghiệp cũng lo lắng, nếu như để trả đúng hạn đơn hàng mà phải đổi phương thức vận chuyển sang đường hàng không thì doanh nghiệp thậm chí còn lỗ.
Ngoài ra, việc thiếu hụt lao động cũng là vấn đề đáng lo ngại. Tuy đã tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa, nhưng áp lực của thị trường về chất lượng, điều kiện giao hàng nhanh vẫn khiến doanh nghiệp đau đầu với bài toán lao động, hiện tại chỉ có thể giải quyết bằng việc tăng thêm ca làm nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch.
Nhìn nhận về triển vọng dệt may 6 tháng cuối năm 2021, các doanh nghiệp dệt may đều cho biết hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, để có thể yên tâm sản xuất, doanh nghiệp mong mỏi sẽ có cơ chế để tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân. Đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết sẵn sàng bỏ chi phí để tiêm vaccine cho người lao động, đây là “chìa khóa” để thúc đẩy triển vọng của dệt may, hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 39 tỷ USD trong năm nay.