Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 11-15/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/5 |
Tổng quan
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tưởng chừng đã dịu đi sau khi 2 bên ký được thỏa thuận giai đoạn 1 và bị lu mờ bởi sự lan tràn của dịch bệnh Covid-19, lại trở nên gay gắt trong thời gian gần đây, đe dọa đến việc thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1 này cũng như khả năng đàm phán tiếp tục giai đoạn 2.
Theo thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc đã nhất trí mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong vòng 2 năm tới, từ mức cơ sở năm 2017. Cụ thể, Bắc Kinh đồng ý tăng mua thêm 76,7 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ trong năm đầu tiên và 123,3 tỷ USD trong năm thứ hai của thỏa thuận.
Cựu cố vấn thương mại Nhà Trắng, người đóng vai trò tích cực trong đàm phán Mỹ - Trung, cho biết Trung Quốc đã tuân thủ phần lớn các điều khoản trong thỏa thuận giai đoạn 1, bao gồm các quy tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Mỹ không nên từ bỏ thỏa thuận này vì thỏa thuận đã mang lại những kết quả tích cực cho đến nay.
Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Bắc Kinh, đã tiến hành cuộc hội đàm trực tuyến vào sáng 8/5 với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế vĩ mô và sức khỏe cộng đồng, đồng thời nhất trí sẽ phối hợp để tạo ra một môi trường thuận lợi nhằm thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà hai bên đạt được hồi đầu năm nay.
Trước đó, ngày 7/5, Trung Quốc đã hoàn thiện các quy định loại bỏ chế độ hạn ngạch theo 2 chương trình đầu tư then chốt, qua đó cho phép các tổ chức nước ngoài đủ tiêu chuẩn được tiếp cận một cách không hạn chế với chứng khoán và trái phiếu Trung Quốc.
Ngày 11/5, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo mua ít nhất 4 lô hàng đậu nành (khoảng 240.000 tấn) của Mỹ; việc giao hàng bắt đầu vào tháng 7/2020.
Ngày 12/5, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố danh sách thứ hai gồm 79 sản phẩm khác nhau, trong đó có cả đất hiếm, của Mỹ được hưởng chính sách miễn thuế nhập khẩu. Quy định mới sẽ được áp dụng ít nhất trong 1 năm, bắt đầu từ ngày 19/5 tới.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn đàm phán lại thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ mà hai nước đã thống nhất hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump không ủng hộ mở lại các cuộc đàm phán này.
Trước đó, vào ngày 18/2, Trung Quốc cũng đã tuyên bố chấp nhận miễn trừ thuế mới đối với 696 hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng chính như thịt lợn, thịt bò, đậu nành, khí tự nhiên hóa lỏng và dầu thô.
Theo số liệu vừa công bố của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 3/2020 đã giảm 21,3% so với tháng trước đó, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nước này.
Cụ thể, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc giảm 4,2 tỷ USD xuống còn 15,5 tỷ USD trong tháng 3, do xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc tăng nhẹ lên 7,8 tỷ USD, còn nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống 23,3 tỷ USD. Tính chung cả quý I/2020, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm 35% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù những tiến bộ kể trên, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu xấu đi từ khi Mỹ trở thành một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 với việc Mỹ tuyên bố đã có bằng chứng liên quan giữa virus SARS-Cov-2 với một phòng thí nghiệm bảo mật hàng đầu tại thành phố Vũ Hán, nơi mầm bệnh lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm ngoái.
Giới chuyên gia cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mất điểm trong cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống do chậm trễ trong phản ứng chống lại Covid-19, vì vậy, Trump càng muốn chuyển hướng tấn công sang Trung Quốc.
Mặc dù có những bước đi tích cực từ phía Trung Quốc như nêu trên, ngày 14/5, Tổng thống Trump đã đe dọa áp nhiều mức thuế mới đối với các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa ở nước ngoài, một động thái cho thấy chính quyền của ông có thể thúc đẩy dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và đặt ra những rào cản thương mại mới.
Tổng thống Trump cho biết việc áp thuế này là một trong những “động lực” để các công ty chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump không tiết lộ chi tiết cũng như không chỉ rõ liệu các biện pháp này sẽ là những mức thuế toàn diện hay một dạng thức thuế khác, vốn có thể đòi hỏi một đạo luật của Quốc hội.
Về phía Trung Quốc, mới đây, báo chí nhắc đến chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới một nhà máy khai thác kim loại hiếm tại Giang Tây. Tháp tùng ông Tập có phó chủ tịch Trung Quốc Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại với Mỹ để giải quyết chiến tranh thương mại.
Trung Quốc muốn nhắc nhở Mỹ rằng mình cũng có những lá chủ bài trong tay để mặc cả với Mỹ khi nước này nắm giữ 40% các mỏ dự trữ kim loại hiếm của thế giới (Việt Nam 18% và Mỹ 1% theo nghiên cứu của Trung tâm địa chất Mỹ US Geological Survey).
Năm 2018, Trung Quốc sản xuất 70% đất hiếm được tiêu thụ trên toàn cầu và là nguồn cung ứng 80% đất hiếm cho Mỹ. Công nghệ chế tạo vũ khí nói chung là lĩnh vực tiêu thụ nhiều kim loại hiếm nhất. Đây là lĩnh vực vừa mang ý nghĩa chiến lược vừa là một con gà đẻ trừng vàng mà chắc chắn là Mỹ không sẵn sàng nhường cho bất kỳ một đối thủ nào.
Có thể nói, cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung Quốc vẫn luôn hiện hữu kể từ giữa năm 2018 cho tới nay và đang có nguy cơ leo thang trở lại với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tương lai cho mối quan hệ thương mại giữa hai nước và thế giới nhiều khả năng sẽ là chủ đề “nóng” và được thảo luận và quyết định trong những tháng tới. Thị trường vẫn nên kỳ vọng vào một kết quả tốt đẹp cho tất cả các bên, song cũng cần có sự chuẩn bị nếu kịch bản xấu diễn ra.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 11-15/5, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm giảm ở 3 phiên đầu tuần, sau đó tỷ giá được điều chỉnh tăng trở lại. Vì vậy, chốt phiên cuối tuần 15/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.263 VND/USD, chỉ tăng 1 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.175 VND/USD và 23.650 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng dao động tăng - giảm nhẹ qua các phiên trong tuần qua. Kết thúc phiên 15/05, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.350 VND/USD, giảm nhẹ 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục ít biến động trong tuần qua. Chốt phiên 15/5, tỷ giá tự do giảm 50 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.350 - 23.400 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần từ 11-15/5, lãi suất VND liên ngân hàng giảm mạnh liên tục qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 15/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 1,21% (-0,66 điểm phần trăm); 1 tuần 1,35% (-0,71 điểm phần trăm); 2 tuần 1,55% (-0,69 điểm phần trăm); 1 tháng 2,08% (-0,42 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng vẫn giảm ở tất cả các kỳ hạn. Cuối phiên 15/5, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 0,21% (-0,03 điểm phần trăm); 1 tuần 0,33% (-0,03 điểm phần trăm); 2 tuần 0,46% (-0,08 điểm phần trăm) và 1 tháng 0,83% (-0,14 điểm phần trăm).
Thị trường mở trên thị trường mở, tuần từ 11-15/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất chào thầu 2 phiên đầu tuần giữ ở mức 3,5%, 3 phiên cuối tuần được điều chỉnh xuống mức 3,0%. Có 3 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này, trong tuần không có đáo hạn. Như vậy, chốt tuần, có 3 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua. Trong tuần có 24.998 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 60.991 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 25.001 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 4.395/6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 73%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 2.395/3000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm và 7 năm đấu thầu thất bại.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tăng 0,12% lên mức 2,75%/năm - ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 15 năm tại 2,93%/năm, chững đà tăng sau bốn phiên tăng liên tiếp trước đó.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.148 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ từ mức 9.256 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 15/5, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1,43% (-0,38 điểm phần trăm); 2 năm 1,62% (-0,25 điểm phần trăm); 3 năm 1,77% (-0,29 điểm phần trăm); 5 năm 2,08% (-0,23 điểm phần trăm); 7 năm 2,64% (+0,09 điểm phần trăm); 10 năm 2,96% (-0,05 điểm phần trăm); 15 năm 3,11% (+0,01 điểm phần trăm); 30 năm 3,63% (0 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua, các chỉ số thị trường biến động trái chiều. Kết thúc phiên 15/5, VN-Index dừng ở mức 827,03 điểm, tăng 13,30 điểm (+1,63%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,0 điểm (-0,91%), xuống mức 109,02 điểm; UPCOM-Index tăng 0,24 điểm (+0,45%) lên mức 53,15 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 6.800 tỷ đồng/phiên. Sau nhiều tuần liên tiếp bán ròng, tuần qua khối ngoại mua ròng với giá trị hơn 2.200 tỷ đồng trên cả 3 sàn, tuy nhiên khối lượng mua ròng chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận hôm 14/5.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Mỹ đón nhiều thông tin kinh tế tiêu cực liên quan đến thị trường lao động, lạm phát và doanh số bán lẻ. Tuần kết thúc ngày 9/5 ghi nhận có 2,98 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, chỉ giảm nhẹ so với 3,18 triệu đơn của tuần trước đó và cao hơn nhiều so với dự báo ở mức 2,5 triệu đơn.
Tiếp theo, CPI và CPI lõi tại Mỹ lần lượt giảm mạnh 0,8% và 0,4% so với tháng trước trong tháng 4 vừa qua, đều lớn hơn so với mức giảm lần lượt ở 0,7% và 0,2% theo dự báo, là mức suy giảm nặng nề nhất đối với lạm phát của nước Mỹ kể từ năm 2008. CPI so với cùng kỳ năm trước của Mỹ giảm về mức 0,3% trong tháng 4 từ mức 1,5% của tháng 3.
Về lĩnh vực bán lẻ, doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung của nước Mỹ đều gặp cú sốc lớn, lần lượt giảm 17,2% và 16,4% so với tháng trước trong tháng 4, mạnh hơn nhiều so với đà giảm 4,0% và 8,3% của tháng trước đó, đồng thời mạnh hơn mức dự báo giảm lần lượt 8,6% và 12,0%.
Tin tích cực nhất trong tuần là chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ do Đại học Michigan khảo sát đạt mức 73,7 điểm trong tháng 5, tăng nhẹ so với 71,8 điểm của tháng 4 và trái với dự báo giảm xuống còn 68,0 điểm.
Trong tuần vừa qua, Anh và EU có vòng đàm phán thương mại thời kỳ hậu Brexit, song kết quả gây thất vọng cho thị trường. Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost cho biết có rất ít những tiến bộ trong cuộc họp này để có thể đi đến một thỏa thuận giữa hai bên.
Liên quan đến chỉ số kinh tế, GDP nước Anh được thông báo giảm 5,8% trong tháng 3 sau khi giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước ở tháng 2, chưa mạnh bằng mức giảm 7,9% theo dự báo. Do đó, GDP quý I của nước này cũng chỉ giảm 2,0%; ít hơn quan điểm cho rằng giảm 2,6% từ các chuyên gia.
Tiếp theo, sản lượng sản xuất và sản lượng xây dựng trong tháng 3 của Anh lần lượt giảm 4,6% và 5,9% so với tháng trước; cùng nhẹ hơn so với ước tính ban đầu là giảm 7,1% và 6,0%.