Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 18-22/5
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 20/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 19/5 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 18/5 |
Tổng quan
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam từ tháng 4 đến nay đã bắt đầu chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, sau khi đạt mức tăng trưởng khá tích cực trong quý I/2020. Thặng dư cán cân thương mại lũy kế đang dần bị thu hẹp.
Theo Tổng cục Hải quan, 15 ngày đầu tháng 5, xuất khẩu cả nước đạt 8,22 tỷ USD. Đây là kỳ có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay (không tính nửa cuối tháng 1 có dịp nghỉ Tết Nguyên đán), đồng thời là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2018 và 2019.
Ngoài việc hạn chế ngoại thương do các nước đóng cửa, giá hàng hóa sụt giảm cũng ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, kỳ 1 tháng 5, kim ngạch nhập khẩu đạt kim ngạch gần 9,2 tỷ USD.
Như vậy, sau chuỗi thặng dư liên tục trong 3 tháng đầu năm, cán cân thương mại của Việt Nam đã đổi chiều, thâm hụt 930 triệu USD trong tháng 4 và tiếp tục thâm hụt 960 triệu USD trong nửa đầu tháng 5. Thặng dư thương mại của 3 tháng đầu năm dần bị thu hẹp khi tháng 4 và tháng 5 cùng đang cho thấy mức nhập siêu lớn.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/5, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 177 tỷ USD (98,8% so cùng kỳ 2019), trong đó xuất khẩu hơn 89 tỷ USD, do đó, Việt Nam chỉ còn thặng dư thương mại khoảng 1,4 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 lây lan mạnh tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới từ giữa tháng 3/2020 đến nay đã gây ra sự gián đoạn đối với chuỗi thương mại toàn cầu và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động rõ nét hơn tới hoạt động thương mại của Việt Nam trong quý II/2020 bởi từ giữa tháng 3/2020 đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản.
Hiện tại, xu hướng chính của các đối tác nhập khẩu của Việt Nam thông báo là hoãn đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 và tạm thời chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian đàm phán cho các đơn hàng cuối năm).
Nguyên nhân chủ yếu được các nhà nhập khẩu vận dụng là điều khoản Bất khả kháng (Force Majeure) khi nhiều nước yêu cầu đóng cửa các thành phố, thậm chí toàn quốc, người dân được yêu cầu ở nhà. Chính lý do này, đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ… đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II/2020, dự kiến xuất khẩu sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm và tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 nhờ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới tăng trở lại.
Bên cạnh đó, trên toàn cầu, nhiều nền kinh tế đã tung các gói kích cầu quy mô lớn trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19 lên nền kinh tế. Đa phần các nước đều tăng cường chi tiêu tài khoá để đối phó với dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động.
Hiện nay, tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc có kết quả tích cực; các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh… do đó, nhu cầu được dự báo sẽ sớm dần tăng trở lại.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực trong nửa cuối năm 2020 được kỳ vọng mở ra một cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong những tháng cuối năm nay và những năm tới.
Theo cam kết của Hiệp định EVFTA, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 18-22/5, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng giảm dần quan các phiên. Chốt phiên cuối tuần 22/5, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.242 VND/USD, giảm mạnh 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.175 VND/USD và 23.650 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng dao động giảm qua 4 phiên đầu tuần và tăng trở lại phiên cuối tuần. Kết thúc phiên 22/5, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.307 VND/USD, giảm 43 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng theo xu hướng giảm trong tuần qua. Chốt phiên 22/5, tỷ giá tự do giảm 80 đồng ở chiều mua vào và 100 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.270 - 23.300 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần từ 18-22/5, lãi suất VND liên ngân hàng tiếp tục giảm mạnh qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 22/5, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,43% (-0,78 điểm phần trăm); 1 tuần 0,63% (-0,72 điểm phần trăm); 2 tuần 0,84% (-0,71 điểm phần trăm); 1 tháng 1,50% (-0,58 điểm phần trăm).
Lãi suất USD liên ngân hàng biến động nhẹ trong tuần. Cuối phiên 22/5, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức qua đêm 0,20% (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 0,28% (-0,05 điểm phần trăm); 2 tuần 0,41% (-0,05 điểm phần trăm) và 1 tháng 0,73% (-0,10 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 18-22/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 3,0%. Không có trúng thầu trên kênh này, trong tuần có 3 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, chốt tuần, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong tuần qua. Trong tuần có 22.997 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 37.994 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 22.994 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 6.200/7.500 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 83%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ 3.000 tỷ đồng gọi thầu/kỳ hạn, kỳ hạn 20 năm huy động được 200/500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm tại 2,8% (+0,05%); kỳ hạn 15 năm tại 3,0% (+0,02%) và 20 năm tại 3,4% (+0,33%).
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.403 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ từ mức 9.148 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm ở hầu hết các kỳ hạn.
Chốt phiên 22/5, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 0,84% (-0,97 điểm phần trăm); 2 năm 1,26% (-0,61 điểm phần trăm); 3 năm 1,53% (-0,52 điểm phần trăm); 5 năm 1,95% (-0,36 điểm phần trăm); 7 năm 2,56% (+0,01 điểm phần trăm); 10 năm 2,97% (-0,04 điểm phần trăm); 15 năm 3,14% (+0,04 điểm phần trăm); 30 năm 3,63% (0 điểm phần trăm).
Thị trường chứng khoán tuần qua, các chỉ số tiếp tục biến động trái chiều trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên 22/5, VN-Index dừng ở mức 852,74 điểm, tăng 25,71 điểm (+3,11%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,98 điểm (-1,82%), xuống mức 107,04 điểm; UPCOM-Index tăng 1,09 điểm (+2,05%) lên mức 54,24 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao mặc dù đã giảm so với tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 6.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại quay trở lại bán ròng nhẹ với giá trị gần 158 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Thượng viện Mỹ hôm 21/5 thông qua đạo luật cấm các công ty niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch của Mỹ hoặc huy động từ các nhà đầu tư Mỹ mà không tuân thủ tiêu chuẩn kiểm toán và sự kiểm soát của Washington. Thị trường nhận xét dự luật này chủ yếu nhắm tới các công ty Trung Quốc.
Ở phía ngược lại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh nước này cam kết cùng phát triển các mối quan hệ thông qua sự phối hợp ổn định với Mỹ. Ông cũng đưa ra giả thiết có những thế lực chính trị đang lợi dụng mối quan hệ thương mại song phương Mỹ - Trung nhằm đẩy hai bên đến một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Trong biên bản cuộc họp tháng 4 vừa được công bố, Fed cho thấy cơ quan này quan ngại một đợt bùng phát thứ hai của virus corona. Điều này có thể làm tăng rất mạnh tỷ lệ thất nghiệp, kéo theo sau những hệ lụy kinh tế nghiêm trọng. Do đó, Fed quyết định duy trì lãi suất ở mức 0% - 0,25% và tiếp tục mua trái phiếu chính phủ cũng như chứng khoán có tài sản đảm bảo. Fed cũng cân nhắc đến những biện pháp hỗ trợ tiếp theo song chưa đưa chi tiết là biện pháp gì và được kích hoạt khi nào.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong tuần qua cũng khẳng định lãi suất chính sách ở mức âm là điều Fed chưa cân nhắc tới.
Liên quan đến kinh tế Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 16/5 ở mức xấp xỉ 2,44 triệu đơn; giảm so với 2,98 triệu đơn của tuần trước đó và cao hơn không nhiều so với dự báo ở mức 2,40 triệu.
Về lĩnh vực xây dựng, số cấp phép xây dựng tại Mỹ ở mức 1,07 triệu đơn trong tháng 4, thấp hơn mức 1,35 triệu đơn của tháng 3, tuy nhiên vẫn cao hơn mức 1 triệu căn theo dự báo. Số nhà khởi công tháng 4 là 0,89 triệu căn, thấp hơn so với mức 1,22 triệu căn của tháng 3 đồng thời thấp hơn dự báo ở mức 0,95 triệu.
Cuối cùng, PMI lĩnh vực sản xuất Mỹ ghi nhận ở 39,8 điểm trong tháng 5; tăng từ 36,1 điểm của tháng trước đó và vượt dự báo ở mức 39,3 điểm.
Niềm tin kinh tế tại khu vực Eurozone được ZEW khảo sát ở mức 46,0 điểm, tăng mạnh từ 25,2 điểm của tháng 4, đồng thời vượt xa kỳ vọng ở mức 27,4 điểm. PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Eurozone lần lượt ở mức 39,5 và 28,7 điểm trong tháng 5, đều tăng so với 33,4 và 12,0 điểm của tháng 4 và vượt qua dự báo ở mức 38,0 và 25,0 điểm.
Niềm tin tiêu dùng tại Eurozone ở mức -19 điểm trong tháng 4, bớt tiêu cực hơn mức -23 điểm theo khảo sát ban đầu và theo dự báo. Tuy nhiên CPI chính thức của khu vực này chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 4, thấp hơn dữ liệu sơ bộ và dự báo của các chuyên gia ở mức 0,4%.