Điều hành chính sách tiền tệ: Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng
Chính sách tiền tệ ứng biến ngày càng linh hoạt | |
Chính sách tiền tệ trước áp lực vòng xoáy lạm phát, tỷ giá | |
Chính sách tiền tệ góp phần làm nên “tăng trưởng cao, lạm phát thấp” |
Phát biểu tại họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định, 2022 là năm có rất nhiều khác biệt trong điều hành vĩ mô nói chung và với ngành Ngân hàng nói riêng. Với nhiều biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, nền kinh tế đang từng bước hồi phục, nhiều doanh nghiệp vực dậy rất nhanh. Tuy nhiên vẫn còn không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi sức cầu giảm, thị trường lao động nhiều xáo trộn, chuỗi cung ứng đứt gãy… Cùng với đó, xung đột Nga - Ukraine kéo dài; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW thế giới… đã tác động trực tiếp tới một nền kinh tế mở như Việt Nam. Trong nước, áp lực lạm phát tăng cao và những diễn biến không thuận lợi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… đã tác động mạnh đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo |
Trong bối cảnh đó, theo Phó Thống đốc, ngành Ngân hàng đã điều hành quyết liệt, linh hoạt để khắc phục những khó khăn, chủ động trong việc đưa ra những quyết sách điều hành phù hợp với tình hình thực tế. Kết quả đạt được chứng minh rằng sự điều hành đó phù hợp với nền kinh tế Việt Nam, đáp ứng các chỉ tiêu vĩ mô theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Về điều hành lãi suất, ngành Ngân hàng kiên định mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Với quan điểm xuyên suốt đó, ngay từ đầu năm, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh và áp lực lạm phát trong nước gia tăng. Tuy nhiên, từ tháng 9/2022, lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục điều chỉnh nhanh, mạnh lãi suất điều hành và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng USD lên giá mạnh… Để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, phù hợp với dòng chảy xu hướng chung, NHNN đã hai lần tăng các mức lãi suất điều hành, nhưng mức tăng vẫn thấp hơn các nước rất nhiều.
NHNN cũng chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, giảm thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Tỷ giá cũng được điều hành chủ động, linh hoạt để thích ứng trước diễn biến khó lường và áp lực lớn của thị trường quốc tế. Nhờ đó thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định; hoạt động trên thị trường diễn ra thông suốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được các TCTD đáp ứng, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Sự linh hoạt trong điều hành còn thể hiện ở các giải pháp điều hành tín dụng, đặc biệt là động thái nới room tín dụng thêm 1,5-2% mới đây nhằm tạo thêm dư địa cung ứng vốn hỗ trợ nền kinh tế.
Thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành gam màu sáng trong hoạt động của các ngân hàng. Ngành Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành ứng dụng công nghệ khẩn trương, tích cực trong cả quản lý và kinh doanh dịch vụ thanh toán...
Dòng vốn tín dụng được tập trung cho sản xuất - kinh doanh, từ đó hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng |
Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, NHNN sẽ tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát đảm bảo mục tiêu Quốc hội đề ra; đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đi vào phân tích cụ thể hơn bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước năm 2023, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, dự báo khả năng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái là rất lớn, đặc biệt là những đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng mặt bằng lãi suất và lạm phát cao sẽ tiếp tục; xu hướng dịch chuyển dòng vốn còn tiếp diễn... Trong nước, lạm phát cơ bản đang tăng liên tục trong thời gian qua và cả giai đoạn sắp tới. Vì vậy quan điểm của NHNN là không chủ quan với rủi ro lạm phát. Tất cả định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đều là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì sự an toàn, bền vững, lành mạnh của hệ thống TCTD.
Dự báo xu hướng lãi suất còn tiếp tục tăng, Việt Nam rất khó đi ngược dòng chảy chung, song ông Quang cho biết, NHNN chỉ đạo các TCTD cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất, cắt giảm chi phí để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Sức ép của tỷ giá tuy đã giảm nhưng cũng không thể chủ quan trong bối cảnh đồng USD đang có nhiều biến động. NHNN tiếp tục kiên định ổn định thị trường ngoại tệ, thông suốt thị trường để ổn định tỷ giá, mua ngoại tệ khi có điều kiện để tăng dự trữ ngoại hối.
Về chỉ tiêu tín dụng năm 2023, theo ông Quang, nếu nhìn sâu vào cấu trúc của nền kinh tế, các tổ chức quốc tế luôn cảnh báo Việt Nam là một trong những nước thu nhập trung bình thấp có dư nợ tín dụng/GDP cao nhất, tạo ra rất nhiều áp lực cho hệ thống ngân hàng. Trong khi đó nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được đầy đủ quy định chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế. Vì vậy, trong điều hành tín dụng, quan điểm của NHNN thận trọng nhưng không cứng nhắc; điều hành sao cho phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống.
Theo đó, NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành Ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, NHNN tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách, cho vay mua nhà ở xã hội… song song với việc kiểm soát vốn vào các lĩnh vực rủi ro, có tính chất đầu cơ, thổi giá bất động sản nhưng cũng có giải pháp hỗ trợ thị trường, qua đó để thị trường bất động sản không có bong bóng nhưng cũng không đóng băng.