Điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục vững tay lái
Chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng, ổn định vĩ mô | |
NHNN sẵn sàng các biện pháp điều hành để hỗ trợ tăng trưởng | |
Chính sách tiền tệ tạo đà phục hồi cho nền kinh tế |
TS. Bùi Đức Thụ |
Theo ông, ngành Ngân hàng đã góp phần quan trọng giữ nhịp tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam là một trong những điểm sáng trong bức tranh nhiều màu xám của kinh tế toàn cầu.
Ông đánh giá thế nào về các chính sách của Chính phủ, NHNN trong giai đoạn vừa qua?
Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Đồng thời Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN, người dân như gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; gói hỗ trợ tín dụng lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng của các ngân hàng…
Riêng đối với điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tôi đánh giá cao NHNN đã có phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời với những chính sách sát thực. Dù trong những cơn sóng lớn tác động dồn dập đến nền kinh tế ở cấp độ cao, nhưng CSTT vẫn rất vững tay lái. Minh chứng, tỷ giá ổn định, thị trường ngoại hối được kiểm soát tốt, thậm chí tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Đặc biệt NHNN đã chủ động hạ lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN.
Có thể nói, những chủ trương của Chính phủ trúng, đúng và rất kịp thời đã giúp cho kinh tế Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng tích cực, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân. Tuy nhiên, việc triển khai các chủ trương lớn vẫn còn chậm, chưa như kỳ vọng. Nhất là tốc độ giải ngân các gói hỗ trợ khá thấp. Điều này đang khiến cho hoạt động kinh doanh của các DN trong nhiều lĩnh vực ngày càng lâm vào khó khăn…
Vậy theo ông, thời gian tới cần phải khắc phục những bất cập đó bằng cách nào?
Theo tôi, cần phải xem xét rà soát lại các giải pháp đã triển khai trong thời gian qua để có cơ chế chính sách phù hợp. Trong bối cảnh này, chúng ta cần tiếp tục có thêm gói hỗ trợ căn cơ, dài hơi hơn. Vì diễn biến dịch bệnh sắp tới như thế nào, bao giờ kết thúc vẫn là câu hỏi mở.
Quan trọng nhất, Nhà nước đứng ra hỗ trợ với vai trò bà đỡ cho các DN, nền kinh tế trong lúc khó khăn hoạn nạn này. Và một trong những chính sách tôi nghĩ rằng trong bối cảnh hiện nay cần hướng tới không chỉ hỗ trợ về tìm kiếm thị trường đầu vào, đầu ra, mà sớm phục hồi những đứt gãy trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa để phục hồi hoạt động kinh doanh của các DN và cả nền kinh tế.
Agribank vừa giảm lãi suất lần thứ 3 để hỗ trợ doanh nghiệp |
Dù biết làm được điều này không hề đơn giản, không thể một sớm, một chiều; nhưng theo tôi chúng ta vẫn có cách để hoá giải nó thông qua nhiều hình thức. Chẳng hạn tận dụng dư địa của chính sách tài khoá. Mấy năm trước tỷ lệ nợ công ở sát trần 65% GDP. Còn thời điểm này, nợ công khoảng 55% GDP tức là dư địa vẫn còn. Trong điều kiện hiện tại có thể nới lỏng tài khoá để hỗ trợ nền kinh tế. Một trong những lý do theo tôi nên cân nhắc nới lỏng chính sách tài khoá là vì chính sách tài khoá thường vận động ngược chiều với chu kỳ kinh tế. Khi chu kỳ kinh tế đang ở giai đoạn phát triển thì phải tăng thu, giảm chi, cân đối ngân sách phải có thặng dư để tăng tiềm lực nhà nước, có nguồn để thanh toán các khoản nợ... Còn đến khi kinh tế suy thoái, thì ngược lại.
Làm như vậy mới có thể vừa tháo gỡ khó khăn, vừa phục hồi sản xuất DN vừa thúc đẩy DN tái cơ cấu, không chỉ thị trường đầu vào, đầu ra mà tái cơ cấu lao động, ngành hàng, khoa học công nghệ... Từ đó, tiết giảm chi phí nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh cho DN.
Riêng đối với điều hành CSTT, theo tôi cần hết sức cân nhắc trong điều chỉnh chính sách, nhất là trong kiểm soát lạm phát. Bởi 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi mục tiêu là phải kiểm soát CPI bình quân dưới 4%. Nếu nới lỏng quá mức thì sẽ phá vỡ ổn định tiền tệ, lạm phát gia tăng, tỷ giá biến động, gây tổn thương đến môi trường đầu tư…
Nhưng để duy trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, không chỉ từ phía CSTT. Trong 6 tháng cuối năm phải kiểm soát được những yếu tố tăng giá tác động đến CPI như giá thịt lợn, giá sách giáo khoa, điện, nước sạch... Một trong những vấn đề cần cân nhắc thận trọng nữa là chưa nên tăng giá đối với mặt hàng tiêu dùng nhà nước quản lý như giá điện, kể cả giá xăng dầu sử dụng quỹ bình ổn để ổn định giá…
Có ý kiến đề nghị, các ngân hàng nên tiếp tục giảm lãi suất huy động để có cơ sở giảm thêm lãi suất cho vay, kích thích DN vay vốn nhiều hơn, tạo động lực tăng trưởng kinh tế?
Đúng là để kích cầu vốn, có thể các ngân hàng xem xét giảm thêm lãi suất cho vay giúp cho DN tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn. Nhưng việc giảm lãi suất cho vay này không nên xuất phát từ động thái giảm lãi suất huy động, mà từ việc ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu, gia tăng hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí… Vì hiện tại lãi suất huy động của ngân hàng đang ở mức khá thấp. Nếu lấy lãi suất huy động bình quân 6 tháng trung bình ở mức 5,5-6% trừ đi lạm phát là 4,19% thì lãi suất thực đang rất nhỏ. Nếu tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động nữa ngân hàng đứng trước nguy cơ khó huy động vốn từ người dân, rất có thể lại chảy vào các kênh đầu tư có mức sinh lời hấp dẫn hơn, nhưng cũng rủi ro hơn như chứng khoán, vàng, bất động sản. Điều đó sẽ làm xáo trộn thị trường và quan trọng hơn là nền kinh tế không đủ vốn để đầu tư.
Do đó, các chính sách phải đồng bộ đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trong nền kinh tế. Việc hy sinh lợi ích của đối tượng này để xử lý vấn đề khác thì tôi cho rằng cái đó không bền vững. Hơn thế, hiện lãi suất cũng không còn là điểm nghẽn của nền kinh tế. Vừa qua, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất rất tích cực. Vấn đề đặt ra là khả năng hấp thụ vốn của DN rất yếu do năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của DN Việt Nam suy giảm mạnh trước cơn bạo bệnh Covid, chuỗi giá trị thị trường, đầu vào, đầu ra bị đứt gãy... Đây cũng là những khó khăn nhất cần phải giải quyết cho DN chứ không phải chỉ là vấn đề lãi suất hay tín dụng. Do vậy, cần tập trung vào các giải pháp căn cơ như đã đề cập ở trên để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn thách thức. Khi sức sống của DN hồi sinh đồng nghĩa nền kinh tế cũng sẽ sớm phục hồi.
Xin cảm ơn ông!