Doanh nghiệp bất động sản gặp khó do quy định chưa thống nhất
Theo ông Phong, hiện thành phố có khoảng 15.000 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Trong năm 2019, tăng trưởng lĩnh vực này chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Riêng ngành xây dựng tốc độ tăng trưởng rất chậm, chỉ đạt 1%, tỷ trọng đóng góp cho GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong 9 nhóm ngành.
Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận không đạt chỉ tiêu, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí bên bờ vực phá sản.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2019 chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với năm trước đó; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án. Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, giảm 30 dự án.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng sở dĩ thị trường bất động sản thời gian gần đây có tình trạng “tắc nghẽn” là do nhiều dự án trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, điều này dẫn đến việc đùn đẩy, chưa đảm bảo quy trình liên thông, đồng bộ trong việc giải quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Trước vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành tập trung trả lời cụ thể, rõ ràng những phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp sớm triển khai dự án.
Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể của lãnh đạo TP.HCM thì đề nghị các sở, ngành chuyên môn có văn bản tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và tham mưu cho UBND thành phố xây dựng các giải pháp chỉ đạo tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn do quy định chưa thống nhất. |
Ông Phong khẳng định, lãnh đạo TP.HCM sẵn sàng lắng nghe và biến những ý kiến khả thi thành hành động để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, kết hợp với chương trình phát triển đô thị thông minh, phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố.
Năm 2020, TP.HCM dự kiến ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng để góp phần tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Được biết, trước đó không lâu UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch về việc kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất, công trình và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước. Theo đó, việc kiểm kê, rà soát nhằm xác định mục đích và hiện trạng sử dụng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn; đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, kịp thời xử lý các trường hợp sử dụng không hiệu quả, thu hồi, xác lập sở hữu Nhà nước các mặt bằng bỏ trống, nhà, đất có nguồn gốc sở hữu Nhà nước đang bị chiếm dụng.