Doanh nghiệp bất động sản tìm cơ hội M&A
Thị trường M&A bất động sản Việt đang “tỏa sáng” | |
Mua bán bất động sản vẫn diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn |
Thị trường M&A những tháng đầu năm 2022 chứng kiến cuộc chuyển nhượng dự án Grand Sentona diện tích 11 ha tại huyện Nhà Bè, TP.HCM giữa Novaland với Công ty Tài Nguyên. Dự án này trước đó có tên Kenton Node khởi công từ 13 năm trước và mở bán căn hộ năm 2014 - đúng vào lúc thị trường BĐS đóng băng. Cách đây 5 năm dự án tiếp tục khởi động lại với nhiều hạng mục công trình như căn hộ ở, khách sạn, trung tâm dịch vụ, nhà hát, trường học, phòng khám quốc tế. Tuy nhiên, dự án tiếp tục khó khăn và đã nhiều lần ngân hàng rao bán để thu hồi một khoản nợ hơn 4.000 tỷ đồng.
Dự án nằm ở vị trí đắc địa tại TP.HCM sau nhiều năm dang dở giờ có cơ hội phục hồi |
Kế đến là cuộc thay tên đổi chủ của cao ốc Saigon One Tower (quận 1, TP.HCM) thành IFC One cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đang sửa chữa lại sau nhiều năm là tài sản "xấu" bỏ dở dang. Dự án này trước đó của M&C với tham vọng phát triển văn phòng cho thuê kết hợp với căn hộ cao cấp bán cho người siêu giàu. Thế nhưng chủ đầu tư vướng vào pháp lý nên dự án nằm chết hơn chục năm qua, hiện nay đang có cơ hội hồi sinh khi về tay chủ mới. Hay dự án One Central trước cửa chợ Bến Thành vẫn đang dang dở trước đó vốn có tên là Spirit of Saigon, thuộc sở hữu của Công ty TNHH Saigon Glory - thành viên của Tập đoàn Bitexco nay đã chuyển nhượng cho chủ mới có vốn ngoại mạnh hơn.
Theo hãng Cushman & Wakefield Việt Nam, giá trị các giao dịch M&A quý I/2022 cao hơn tổng giá trị M&A bình quân theo năm của giai đoạn năm 2019-2021. Trong đó, phân khúc văn phòng chiếm 58% tổng giá trị giao dịch, trong khi phân khúc công nghiệp và nhà ở lần lượt chiếm 28% và 13%.
Các doanh nghiệp BĐS cho biết, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm cách đầu tư vào BĐS Việt Nam thông qua các thương vụ M&A do họ không muốn phải mất thời gian và chi phí cơ hội khi phải đợi một dự án ra được quy hoạch sạch. Do đó, để rút ngắn quá trình đầu tư họ tìm cách mua lại các dự án của nhà đầu tư trong nước, nhất là những dự án nhà đầu tư trong nước (vì nhiều lý do) tài chính đã cạn kiệt không thể tiếp tục theo đuổi. Hình thức hợp tác M&A sẽ giúp chia sẻ bớt gánh nặng tài chính cho nhà đầu tư và cũng là cơ hội để đưa công nghệ và năng lực quản lý dự án của nước ngoài vào để dự án sớm được đưa vào khai thác.
Số liệu mới nhất của Bộ Xây dựng vừa công bố, quý I/2022, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực BĐS đạt xấp xỉ 2,7 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 tổng vốn đầu tư đăng ký và tương đương với 87,9% so với cùng kỳ năm 2021. Bộ Xây dựng khẳng định, BĐS tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài và có vị thế tốt để thu hút vốn. Trong một diễn biến khác, một doanh nghiệp BĐS sở hữu nhiều mảnh đất đắc địa ở TP.HCM mới đây giới thiệu cho lãnh đạo UBND TP.HCM hai nhà đầu tư BĐS hàng đầu châu Á là ORIX Corporation (Nhật Bản) và CK Asset Holdings Limited Group (Hồng Kông) với tham vọng xây dựng TP.HCM trở thành thị trường BĐS lớn hàng đầu châu Á.
Theo báo cáo của CBRE, trong quý I/2022 chưa có dự án văn phòng nào mới hoàn thành. Tổng diện tích văn phòng cho thuê toàn TP.HCM giữ ở mức 1,5 triệu m2. Thị trường văn phòng TP.HCM ghi nhận xu hướng phục hồi tốt, với tổng diện tích hấp thụ thuần chỉ trong thời gian ba tháng đầu năm nay đạt 17.000 m2, tương đương 32% so với toàn năm 2021. Dự kiến trong năm nay, TP.HCM sẽ có thêm tổng cộng 96.000 m2 NLA (tòa nhà 10 tầng có diện tích từ 25.000 m2 trở lên) từ hai tòa nhà hạng B và một tòa nhà hạng A. Giá thuê của cả hai phân hạng đều được dự đoán sẽ tăng trong năm 2022 với giá thuê hạng A đạt mức cao mới vào năm 2023, cùng với nguồn cung văn phòng hạng A mới ở khu vực trung tâm hiện tại và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong khoảng ba năm gần đây, quỹ đất ngày càng hạn chế và tâm lý thận trọng của thị trường sau khi trải qua hai năm dịch bệnh Covid-19 dẫn đến nguồn cung tạm thời hạn chế trong ngắn hạn. Phân khúc căn hộ cao cấp tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường trong hai năm qua với tỷ trọng hơn 50% nguồn cung mới. Giá trung bình trên thị trường sơ cấp tăng 3,9% theo quý và 7,8% theo năm. Mức giá trung bình tiếp tục tăng do có sự chuyển dịch từ phân khúc bình dân, trung cấp lên cao cấp và hạng sang.