Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần giải pháp tài chính phù hợp
Kéo gần “sợi dây” kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với giải pháp tài chính | |
Phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tính cạnh tranh | |
Thời cơ cho công nghiệp hỗ trợ |
Đóng góp lớn cho phát triển công nghiệp
Theo các chuyên gia, công nghiệp hỗ trợ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng vật liệu, linh kiện phụ tùng, bán thành phẩm ngay trong nội địa, bảo đảm tính chủ động cho phát triển công nghiệp quốc gia; đồng thời góp phần khai thác tốt các nguồn lực, giảm nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp; giảm nhập siêu, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu; mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, thể hiện năng lực sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của sản xuất công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của nền công nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp cần kế hoạch tài chính đúng với "bức tranh thực" để ngân hàng tư vấn gói tài chính phù hợp. |
Với ý nghĩa đó, trong những năm qua, Chính phủ đã có sự quan tâm đúng mức đến công nghiệp hỗ trợ. Nhiều chính sách, chương trình được ban hành để khuyến khích, tập trung nguồn lực và tạo điều kiện phát triển ngành này như Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... và mới đây nhất là Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới và được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.
Dù vậy nhưng đến nay, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước còn yếu. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chiếm 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với doanh thu sản xuất kinh doanh đạt hơn 900 nghìn tỷ đồng, tương đương 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.
Mạnh dạn tiếp cận các giải pháp tài chính
Đặc biệt, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi cung ứng vì chưa được quy chuẩn, tiêu chuẩn của doanh nghiệp FDI. Chỉ ra nguyên nhân, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của có quy mô nhỏ, vốn mỏng và năng lực cạnh tranh thấp. Trong khi đó, để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất của những tập đoàn toàn cầu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần đến khoản vốn đầu tư máy móc, thiết bị rất lớn, “quá sức” với nhiều doanh nghiệp Việt.
Nhìn nhận rõ vấn đề này, hiện các ngân hàng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Bà Nguyễn Lan Hương, Phó Giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, hiểu được đặc thù của ngành công nghiệp hỗ trợ nên ngân hàng đang triển khai các giải pháp tài chính linh hoạt cho các doanh nghiệp này như giá trị hạn mức được thiết kế theo kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp; ưu tiên room tín dụng cho nhu cầu bổ sung vốn lưu động dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tài trợ trung dài hạn dựa trên tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay; thiết kế phương án linh hoạt theo từng giai đoạn kinh doanh của doanh nghiệp và cho vay/thu nợ linh hoạt dựa trên kế hoạch dòng tiền.
Tương tự, với mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong quá trình kinh doanh, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang triển khai chương trình nhận vay vốn tín chấp không tài sản bảo đảm, hạn mức tín chấp tối đa lên đến 5 tỷ đồng với hồ sơ, thủ tục pháp lý đơn giản; giảm lãi suất lên đến 2%/năm nếu có thêm khoản vay có tài sản bảo đảm khác tại ngân hàng. Đối với các loại bảo lãnh, ngân hàng cũng bảo lãnh dự thầu với mức tín chấp tối đa lên đến 100%, bảo lãnh thực hiện hợp đồng với mức tín chấp tối đa lên đến 95%. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được tài trợ trả chậm lên đến 359 ngày và được xem xét tiếp tục cấp tín dụng theo hình thức cho vay vốn để thanh toán UPAS L/C khi đến hạn...
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Tô Ngọc Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hanpo Vina chia sẻ, để sản xuất kinh doanh, muốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh thì chắc chắn phải có hỗ trợ từ các tổ chức tài chính. Chính vì vậy, bản thân doanh nghiệp cần phải mạnh dạn để nhanh chóng nắm bắt cơ hội phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng của họ, nhất là trong những ngành cơ khí, chế tạo, chất bán dẫn...