Doanh nghiệp da giày “đói” đơn hàng
Ngành da giày đối mặt thách thức đơn hàng giảm | |
Ngành da giày: Tận dụng tốt ưu đãi từ các FTA | |
Doanh nghiệp da giày kỳ vọng những thay đổi tích cực |
Ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội Da giày Phú Yên chia sẻ với phóng viên Thời báo Ngân hàng, năm nay tình hình đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp da giày rất “ảm đạm”. Số doanh nghiệp có đơn hàng tới tháng 4/2023 là rất ít, đa phần chỉ có tới hết tháng 2. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho các sản phẩm không cần thiết, các đối tác nhập khẩu bị tồn đọng hàng nên không đặt thêm đơn hàng mới. Hiện nhiều doanh nghiệp da giày đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, có nơi phải cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc tạm thời vì thiếu đơn hàng xuất khẩu.
Ở thị trường nội địa, sức mua tuy có giảm so với trước dịch COVID-19, tuy nhiên đây vẫn là môi trường tốt để các doanh nghiệp khai thác trong bối cảnh thị trường toàn cầu u ám. Hiện không ít doanh nghiệp vẫn có nhiều đơn hàng tại thị trường này. Đặc biệt, các doanh nghiệp thường tiếp cận với khách hàng qua kênh online, nhắm vào phân khúc bình dân để thu hút được tối đa lượng khách.
Các doanh nghiệp cần chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như kết nối chuỗi cung ứng. |
Mới đây, một doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất giày xuất khẩu sang châu Âu vừa thông báo phải thu hẹp sản xuất và chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân, cụ thể là thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất. Đại diện doanh nghiệp cho biết, do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác nước ngoài bị thiệt hại nặng nề nên công ty không có đơn hàng sản xuất. Doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra.
Trước tình trạng giảm đơn hàng xuất khẩu, bà Trần Hoàng Phú Xuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kết nối thời trang Faslink cho biết, cần phải đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu cũng như kết nối chuỗi cung ứng. Có như vậy, các sản phẩm dệt may, da giày Việt Nam mới thực sự đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tích cực đa dạng hoá thị trường, chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, xây dựng hệ thống quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ, chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh. Thời trang xanh đang là xu thế chung của ngành dệt may, da giày thế giới hiện nay. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín thương hiệu với người tiêu dùng.
Theo ông Trần Đình Thăng - CEO thương hiệu giày dép Vento (Hải Phòng), thị trường thế giới giảm cầu nhưng vẫn có những cơ hội đối với ngành giày dép Việt Nam. Thời gian vừa qua, sản phẩm giày dép “Made in Vietnam” được ưa chuộng, đánh giá rất cao và Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu giày dép. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA…
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, năm 2023 được đánh giá là cực kỳ khó khăn với xuất khẩu của ngành, nhất là trong nửa đầu năm. Tình trạng suy giảm tiêu dùng tại Mỹ, EU - hai thị trường chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chưa có dấu hiệu cải thiện. Do vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương cần hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm đối tác, đơn hàng, xây dựng thương hiệu Việt cho các sản phẩm giày da.
Hiệp hội cho biết, sẽ đẩy mạnh các hoạt động tham vấn, góp ý kiến với các cơ quan Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật và nâng cấp cơ sở dữ liệu về ngành da giày trên Cổng thông tin điện tử da giày; đẩy mạnh hoạt động phổ biến chính sách và thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giày nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững.
Đặc biệt, đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, sẽ thu thập, cập nhật các tài liệu công nghệ tiên tiến trong sản xuất sản phẩm da giày Việt Nam và trên thế giới, thông tin mới nhất về các số liệu của ngành da giày, thông tin về doanh nghiệp da giày Việt Nam. Triển khai các hoạt động tuyên truyền và xây dựng các bộ tài liệu, sổ tay hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận các ưu đãi theo các Hiệp định FTA đã có hiệu lực như CPTPP và EVFTA...
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, một số ngành như dệt may, da giày... sẽ khó tìm kiếm đơn hàng trong 3-6 tháng tới. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải tập trung tháo gỡ điểm nghẽn này. Trong đó, không chỉ đẩy mạnh xúc tiến thương mại mà còn phải xúc tiến nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ và chi phí cho doanh nghiệp khi mua những thiết bị hiện đại, để có thể giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh.