Doanh nghiệp logistics trước cơ hội từ EVFTA
Hiện thực hóa trung tâm logistics để hội nhập quốc tế | |
Động lực mới từ chiến lược liên kết logistics | |
Nhu cầu bất động sản logistics tăng cao |
Mở thêm cơ hội cho ngành logistics
Theo đó, việc phát triển logistics ở Việt Nam đang có cơ hội lớn khi là ngành góp phần thúc đẩy xuất khẩu - một trong những nguồn tăng trưởng chính của Việt Nam. Phát triển logistics có thể sẽ tiếp tục là cách thức để không những nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại, mà còn đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong tương lai.
Ngoài ra, những cam kết mở của EVFTA cũng là hấp lực với các nhà đầu tư EU để tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ logistics tại thị trường Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, học hỏi và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, đang chiếm thị phần lớn trên thị trường logistics thế giới.
Cần phải tập trung nguồn lực để giúp cho các doanh nghiệp logistics phát triển bền vững |
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật - Giám đốc phụ trách Supply Chain Solutions - Bee Logistics Group cho biết, thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực cùng lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nó cũng đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Đặc biệt là cùng với xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, thì các doanh nghiệp của EU đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều và tạo ra thêm các cơ hội cho các doanh nghiệp logistics.
"Bản thân chúng tôi cũng tham gia vào một chuỗi cung ứng, tuy nhiên để có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài, những công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia thì rất khó, nên chúng tôi chọn đi trước đón đầu. Tạm thời, chúng tôi là đại lý, hợp tác với các hãng lớn để làm thầu phụ nhằm gia tăng sự hiện diện của Supply Chain Solutions - Bee Logistics Group với các doanh nghiệp châu Âu. Tôi nghĩ trong nguy có cơ, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh cũng là lúc EVFTA có hiệu lực và đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của chúng tôi", ông Thuật chia sẻ.
Là một doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang sử dụng dịch vụ liên quan đến ngành logistics, ông Lê Hoàng Khánh Nhật - Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng cho biết, đơn vị nhận thức rõ rằng nếu không tận dụng được các FTA để xuất khẩu thì rất khó phát triển. Vì thế, công ty đã nỗ lực bằng mọi cách tăng cường xuất khẩu, riêng năm 2021, tăng trưởng trên 36% kim ngạch - một tốc độ tăng trưởng rất lớn. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu xuất khẩu của công ty tăng rất mạnh.
Đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức
Bên cạnh các cơ hội và tiềm năng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức mới do EVFTA mang lại. Sự chênh lệch về năng lực khiến các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải rất vất vả khi cạnh tranh với các tên tuổi trong lĩnh vực này của EU vốn đã rất mạnh và chiếm thị phần đáng kể trên thị trường thế giới, và thậm chí nhiều doanh nghiệp logistics mạnh của EU đã và đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được thực tiễn phát triển khiến chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam cao hơn so với các nước.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngành dịch vụ logistics, trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hỗ trợ phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về kế hoạch hành động để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương, các bộ, ngành cũng như các địa phương cũng đã có kế hoạch cụ thể để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh cũng là yếu tố mà các cơ quan chức năng hiện nay đang tích cực cải thiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp logistics có thể tiếp cận với trình độ quốc tế, cũng như có thể vươn ra được thị trường bên ngoài. Ngoài ra, vấn đề công nghệ, nhân lực cũng là những vấn đề then chốt để giúp phát triển các dịch vụ này.
“Doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước bắt nhịp với môi trường kinh doanh mới sau khi EVFTA có hiệu lực, do đó chúng ta cần phải tập trung nguồn lực để giúp các doanh nghiệp logistics có thể tiếp cận nguồn lực đầu vào có chất lượng, nhằm thúc đẩy dịch vụ logistics”, một chuyên gia chia sẻ quan điểm.