Doanh nghiệp thay đổi để ứng phó với Covid
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, số DN rút lui khỏi thị trường lên tới 70.209 DN, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Phần lớn các DN phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể là những DN mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ và là đối tượng liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua. Điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của DN trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn.
Nhiều DN nhanh chóng thích ứng với phương thức sản xuất mới, ứng phó với dịch bệnh |
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết, khảo sát thu thập thông tin DN trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy, trong diễn biến phức tạp của dịch, số lượng DN rơi vào tình trạng khó khăn chiếm đến hơn 50%. Điều này thôi thúc các DN tìm cách tiếp cận mới để thích nghi với tình hình mới. Theo đó, bên cạnh việc chuyển đổi mô hình, chuyển đổi số thì các DN đẩy mạnh hình thức kinh doanh online, phát triển thương mại điện tử, vừa hiệu quả lại tiết giảm chi phí. Bằng nỗ lực của mình, nhiều DN đã vượt khó thành công để duy trì hoạt động, tạo ra việc làm cho xã hội và góp phần giữ ổn định nền kinh tế.
Ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam chia sẻ, các năm trước đây để sản xuất các mặt hàng từ sản phẩm gấc, công ty phải tuyển lượng lớn lên đến hơn 200 công nhân mới đáp ứng yêu cầu của các khách hàng. Tuy nhiên thời điểm dịch Covid-19 bùng phát khiến cho công ty buộc phải thu gọn hoạt động sản xuất. Để phù hợp với tình hình mới, công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại đưa vào sản xuất. Qua đó vừa tiết giảm được số lao động vừa nâng cao năng suất. Hiện tại, để vận hành hệ thống dây chuyền công nghệ mới, công ty chỉ cần 40 công nhân vận hành vẫn đảm bảo được lượng hàng hóa như trước kia. Trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách thì công ty đã đảm bảo được các tiêu chuẩn an toàn để phòng chống dịch bệnh.
Theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng bằng sự linh hoạt trong việc chuyển đổi, các DN trên địa bàn, nhất là các DN xuất khẩu đã cho thấy hiệu quả đạt được trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế. Theo đó hoạt động xuất khẩu của các DN vẫn đạt được những kết quả khả quan. Trong quý II/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố đạt 3.780 triệu USD, tăng 11,7% so quý I/2021 và tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 7.164 triệu USD, tăng 4,5% so cùng kỳ năm 2020.
Để ứng phó với những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo các chuyên gia, các DN phải chuyển đổi về mọi mặt cả dịch vụ, sản phẩm, cách làm, tái cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, ngành hàng và xây dựng nên các mô hình kinh doanh mới…
Một trong những yếu tố quan trọng mà các DN phải thay đổi trong bối cảnh CMCN 4.0 đang phát triển mạnh đó là chuyển đổi số và thay đổi mô hình quản trị DN. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, đợt dịch lần 4 này bùng phát có nguy cơ ảnh hưởng lớn sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và nguy cơ sức khỏe người lao động. Do đó, việc đảm bảo an toàn cho người lao động là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó là đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay, tình hình xuất khẩu bị gián đoạn, nhiều mặt hàng lượng tiêu thụ giảm, nguyên liệu nhập khẩu bị ảnh hưởng và nhiều cửa hàng phải đóng cửa tại nhiều tỉnh thành…
Giai đoạn đầu bị ảnh hưởng của dịch bệnh khiến DN gặp nhiều khó khăn và chưa tìm được lối ra. Nhưng sau một thời gian ngắn nắm bắt tình hình, tập thể Ban lãnh đạo đã có những giải pháp nhanh chóng, điển hình là chuyển đổi một số mặt hàng mới mà DN chưa bao giờ sản xuất như khẩu trang. Việc sản xuất khẩu trang vải thực sự đã đem lại hiệu quả lớn, vừa duy trì việc làm cho người lao động, vừa đảm bảo được mục tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó, May 10 ngay lập tức chuyển đổi lại cơ cấu tổ chức để phù hợp với quy trình sản xuất mới. Đặc biệt là chuyển đổi về tư duy, nhất là người lãnh đạo.
Với những thay đổi đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh thu của Tổng công ty đạt 1.478 tỷ đồng bằng 81,28%; thu nhập bình quân 7,97 triệu đồng/người/tháng bằng 105%; lợi nhuận đạt 35 tỷ đồng bằng 87,11%; nộp ngân sách đạt 30,72 tỷ đồng bằng 182,11%. Từ nay đến cuối năm, bên cạnh những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, May 10 đề ra mục tiêu doanh thu 1.797 tỷ đồng; lợi nhuận 50 tỷ đồng; thu nhập bình quan 8,23 triệu đồng/người/tháng; đảm bảo việc làm, tiền lương cho người lao động, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cả năm 2021, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.
Dự báo từ nay đến cuối năm, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và việc các DN phải thích ứng là điều bắt buộc. Các chuyên gia cho rằng, trong “nguy”, có “cơ” và đây cũng là giai đoạn để các DN tái cấu trúc lại quản trị, tìm ra những phương thức kinh doanh mới. Đồng thời tập trung rà soát, cắt giảm các chi phí đầu vào, tìm kiếm giải pháp bán hàng, tăng cường công cụ kinh doanh online, và tăng cường hoạt động kết nối đối với các diễn đàn xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư để có những giải pháp thích nghi với tình hình mới.