Doanh nghiệp thủy sản gặp khó trong năm 2019
Người Việt tiêu thụ nhiều thủy sản ngoại | |
Để ngành thủy sản phát triển bền vững | |
Gắn tái cấu trúc thuỷ sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị |
Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Vasep, từ số liệu kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tháng của năm 2019 cho thấy, cả năm 2019 xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,7 tỷ USD, giảm 1,2% so với 2018. Sự sụt giảm này là do nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành (cá ba sa, tôm, cá ngừ) đều sụt giảm kim ngạch tại nhiều thị trường lớn. Cụ thể như, mặt hàng tôm trong suốt năm 2019 xuất khẩu giảm sâu ở các thị trường chính, kim ngạch xuất khẩu tôm 11 tháng/2019 đạt 2,8 tỷ USD, giảm đến 6,5% so với cùng kỳ 2018. Thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Liên minh châu Âu (EU) giảm gần 20% và ba thị trường chính trong EU đều giảm nhập khẩu tôm từ Việt Nam (là Anh giảm 15,5%, Hà Lan giảm đến 37,6% và Đức giảm 5,6%). Các thị trường khác như Hoa Kỳ (Mỹ), Trung Quốc tuy không giảm kim ngạch nhưng cũng không tăng giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản có thể sẽ giảm 1,2% so với năm 2018 |
Mặt hàng cá ba sa năm qua cũng chịu áp lực rất lớn về sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu đến hết tháng 11/2019 giảm đến 10%. Sự sụt giảm này là do giá trị xuất khẩu cá tra sang một số thị trường lớn như Mỹ, Brazil và Colombia vẫn chịu tăng trưởng âm, giá nguyên liệu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018, nên xuất khẩu cá tra không thể tăng cao hơn. Trong đó, thị trường Mỹ giảm rất mạnh. Đến hết tháng 11/2019 tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm đến 45,8% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các tra không đạt doanh số cả năm 2019. Còn lại một số thị trường gần như Hồng Kông, Trung Quốc xuất khẩu cá tra vẫn tăng tốt (trên 17%). Các thị trường lớn và tiềm năng của cá tra Việt Nam là EU, ASEAN, Mexico và Nhật Bản… đều không tăng được kim ngạch xuất khẩu. Với nhóm sản phẩm khác như cá ngừ, nhuyễn thể… cũng không khả quan hơn, cá ngừ của Việt Nam mặc dù đã xuất khẩu đến 107 thị trường, nhưng 11 tháng/2019 vẫn giảm gần 7% kim ngạch. Thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất là Mỹ, EU đều không tăng được kim ngạch.
Theo ông Phạm Hoài Nam, Tổng Thư ký Vasep, so với năm 2018 và các năm trước thì trong 2019 các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khá nhiều khó khăn từ thị trường xuất khẩu (rào cản kỹ thuật, áp lực cạnh tranh…). Hầu hết các thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật Bản đều đã đưa ra những quy định bắt buộc rất khắt khe về hàng thủy sản nhập khẩu như quy định về an toàn thực phẩm, quy định về trách nhiệm môi trường, xã hội, truy nguyên nguồn gốc thủy sản từ nguyên liệu đầu vào… Và để ứng xử trong những tình huống khó, Vasep cùng cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra tập hợp liên kết chặt chẽ, thậm chí cùng phối hợp thuê luật sư, trọng tài thương mại quốc tế, tập hợp dữ liệu để bảo vệ doanh nghiệp Việt xuất khẩu một cách tốt nhất trước sức ép của thị trường nhập khẩu. Đến thời điểm này, doanh nghiệp Việt cũng có niềm tin từ năm 2020, khi Mỹ đã công nhận hệ thống kiểm tra sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, thì cá tra, tôm của Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ tăng kim ngạch trở lại.