Đổi mới sáng tạo: Để chính sách “ngấm” vào doanh nghiệp
Chỉ dành 1,6% doanh thu cho nghiên cứu, phát triển
Trao đổi tại Hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với doanh nghiệp Việt Nam”, các chuyên gia cho rằng, những năm qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để cải thiện đáng kể Chỉ số đổi mới sáng tạo.
Minh chứng là Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng 10 bậc kể từ năm 2015. Năm 2020, Việt Nam đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 sau khi Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cập nhật số liệu GDP theo tính toán mới của Việt Nam (tăng khoảng 36% so với năm 2020).
Nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính dành cho hoạt động đổi mới sáng tạo |
Tuy nhiên mức độ đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn các nước trong khu vực. Về phía nhà nước, tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ chỉ khoảng 0,44% GDP, đứng sau Singapore (2,22%), Malaysia (1,44%) và Thái Lan (0,78%)...
Về phía doanh nghiệp, một cuộc khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, phần lớn doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua việc “đầu tư vào công nghệ mới được gắn liền với hàng hóa, máy móc, thiết bị” chiếm 39,4%; “nâng cấp, chỉnh sửa công nghệ, thiết bị hiện tại” chiếm 39,3%.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chi 1,6% doanh thu hàng năm cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, như: Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%). Đặc biệt có tới 80% doanh nghiệp cho biết chưa có hợp tác với đơn vị, tổ chức khác để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Trong hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Lần đầu tiên, GDP quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Năm nay cũng là năm ghi nhận số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, rời khỏi thương trường tăng cao kỷ lục, khoảng 150.000 doanh nghiệp. Thực tế này đã khiến doanh nghiệp nhận ra, đổi mới sáng tạo chính là con đường để vượt qua khó khăn và hướng tới phát triển dài hạn.
Hỗ trợ đổi mới sáng tạo
TS. Chử Đức Hoàng - đại diện Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn để phát triển đổi mới sáng tạo. Như doanh nghiệp còn hạn chế trong việc nhận thức về vai trò của công nghệ, đổi mới công nghệ, chưa có nhiều kinh nghiệm xây dựng, triển khai các đề tài, dự án đầu tư đổi mới công nghệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Vì thế, việc hoàn thiện hồ sơ trong quá trình xét chọn, phê duyệt nhiệm vụ thường bị kéo dài, không đáp ứng được tiến độ thực hiện dự án của doanh nghiệp.
Tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của đa số doanh nghiệp còn yếu; các chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa tạo tác động đủ lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc trích lập quỹ cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Với mức trích tối đa 10% thu nhập tính thuế, số trích lập quỹ của các DNNVV rất thấp, không đủ để thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong khi các nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ tín dụng để bổ sung thêm lại không có, hoặc có lại khó tiếp cận. Bên cạnh đó, sự đa dạng của hoạt động đổi mới, sáng tạo chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Hoàng Thị Hồng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Hỗ trợ DNNVV Việt Nam cho biết, theo Nghị định số 39/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV với các chức năng cho vay, tài trợ vốn là một trong những giải pháp cấp thiết để hỗ trợ tài chính cho DNNVV trong bối cảnh “khát vốn” ngày càng lớn của cộng đồng này. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp…
Các đối tượng DNNVV được Quỹ hỗ trợ đó là: DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị với mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Thời hạn vay vốn tối đa không quá 7 năm. Đây là chu kỳ trung bình của một dự án để có thể đánh giá tối đa hiệu quả dự án.
Chủ tịch Quỹ cho biết, hiện nay, Quỹ đã hợp tác với sáu NHTM để triển khai vay vốn trên 63 tỉnh, thành. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ DNNVV trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phê duyệt giảm lãi suất cho vay của Quỹ đối với DNNVV về mức 2,16%/năm (ngắn hạn) và 4,0%/năm (trung và dài hạn).
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ, DNNVV được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số, đồng thời được hỗ trợ chi phí để thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hoá, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh với mức 20 triệu đồng/doanh nghiệp siêu nhỏ, 50 triệu đồng/doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/doanh nghiệp vừa.
Nhằm đảm bảo định hướng chung trong công tác hỗ trợ, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 để áp dụng trên phạm vi toàn quốc
Đặc biệt, trong năm 2022 tới đây, Chương trình sẽ tập trung vào ba gói chính, cụ thể ngân sách nhà nước dành một phần kinh phí từ 20 triệu đến 50 triệu đồng/năm để hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, bắt đầu chuyển đổi số. Gói thứ hai là tăng tốc chuyển đổi số cho các doanh nghiệp đang tăng trưởng, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/năm đối với các đối tượng doanh nghiệp vừa. Gói thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí khởi tạo, duy trì tài khoản trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.