Đổi mới sáng tạo mở: Cơ hội để tận dụng nguồn lực bên ngoài cho phát triển
Tập đoàn NextTech đầu tư 50 triệu USD cho các Startup công nghệ chuỗi khối | |
Startup Việt: Biến “nguy” thành “cơ” trong đại dịch | |
Tìm đường cho startup Việt vượt thách thức mùa dịch |
Đổi mới sáng tạo mở: Cơ hội cho khởi khiệp trong giai đoạn mới |
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đổi mới sáng tạo mở là một cách tiếp cận mới để thu thập ý tưởng và cải tiến đổi mới doanh nghiệp, thông qua sự hợp tác với các đối tác bên ngoài để mang lại kiến thức và công nghệ bổ sung cho tổ chức của họ. Đây là một mô hình kinh tế chia sẻ, nếu không làm, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất khả năng cạnh tranh, không tận dụng được nguồn lực sẵn có bên ngoài, nhất là trong giai đoạn bùng nổ công nghệ 4.0.
"Điều khác biệt của đổi mới sáng tạo mở là doanh nghiệp dám đưa vấn đề nội bộ cần được giải quyết ra bên ngoài để các bên cùng nhìn nhận, đánh giá và xử lý; dám dùng giải pháp ở ngoài để giải quyết được vấn đề. Nếu làm được, đổi mới sáng tạo mở sẽ mang lại hiệu quả cho cả 3 bên là doanh nghiệp gặp vấn đề, doanh nghiệp có giải pháp và cộng đồng doanh nghiệp", ông Phạm Hồng Quất nói.
Thực tế cho thấy, đổi mới sáng tạo mở đã được nhiều quốc gia hướng đến để phát triển. Mới đây, nhóm giáo sư và sinh viên khởi nghiệp của Việt Nam đã nhận được giải thưởng 30.000 USD từ Ngân hàng số của Singapore để giải quyết bài toán blockchain. Sau đó, hàng loạt các ngân hàng khác đã tới đặt hàng. Điều này cho thấy chỉ cần 1 người đặt hàng và Chính phủ đứng bên cạnh bảo lãnh thì sản phẩm công nghệ, giải pháp công nghệ đó có thể mở rộng thị trường cho đại đa số các doanh nghiệp khác.
Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viet Lotus cho biết, đổi mới sáng tạo mở là một khái niệm mới từ năm 2003 nhưng trong khoảng 7-10 năm trở lại đây mới thực sự bùng nổ. Qua thực tiễn từ các quốc gia đi trước như Mỹ, Singapore, Israel... có hai đặc điểm rất rõ của đổi mới sáng tạo mở. Theo đó, đổi mới sáng tạo mở tạo ra một hệ sinh thái phong phú, đa dạng và rất phát triển cho doanh nghiệp. Sự kết nối, tương tác ở hệ sinh thất này rất chặt chẽ và hiệu quả. Trong đó, cơ chế chính sách và sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ đã tạo nên mối liên kết chặt chẽ này.
Với Việt Nam, theo Báo cáo "Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021", nước ta đang nổi lên là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính tại Việt Nam hiện nay gồm có Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Trong đó, Hà Nội với lợi thế trung tâm chính trị, ngoại giao của cả nước đã hội tụ nhiều công ty công nghệ lớn như FPT, VNG, VCCorp...
Để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp xây dựng hệ sinh thái đổi mới hoàn chỉnh trên quy mô lớn để cho phép chuyển giao, phát triển và thương mại hóa công nghệ; thí điểm môi trường pháp lý khuyến khích hoạt động đổi mới; kết nối các công ty khởi nghiệp với nhiều kênh tài trợ khác nhau; cung cấp hỗ trợ tài chính trong hệ sinh thái khởi nghiệp…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam còn rất rời rạc nên sự tương tác, hợp tác để đồng sáng tạo, đồng phát triển chưa được triển khai mạnh mẽ. Hiện có không ít doanh nghiệp của Việt Nam sang các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở phát triển để tìm kiếm cơ hội thay vì ở lại khởi nghiệp và phát triển trong nước.
Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó rào cản về pháp lý giữ vai trò quan trọng. Bởi, ở các quốc gia phát triển đổi mới sáng tạo mở, doanh nghiệp có cơ chế thử nghiệm cho ý tưởng và sản phẩm mới, nghĩa là được hưởng chính sách riêng, nếu thành công sẽ được triển khai mở rộng, ông Vũ Viết Ngoạn phân tích.
Vì vậy, để mở rộng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, theo các chuyên gia, vai trò của cơ chế chính sách là rất quan trọng. Cơ chế chính sách thuận lợi sẽ tạo ra môi trường pháp lý để các bên tham gia vào đổi mới sáng tạo mở, khuyến khích lưu thông tri thức theo hướng mở và hợp tác các bên nhằm đưa ra thị trường những giải pháp có tính đổi mới sáng tạo. Cơ chế chính sách sẽ giúp sự phối hợp tốt hơn giữa các nhân tố kinh tế để cải thiện năng suất và giá trị; tạo ra nhu cầu cho đổi mới sáng tạo thông qua các công cụ pháp lý trên hoặc bằng chính việc nhà nước mua sắm các sản phẩm đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập tổ chức giáo dục trực tuyến Funix nhìn nhận, các chính sách được Chính phủ ban hành hiện nay là quá mở khi tích cực tham gia các hiệp định thương mại… Nhưng, cái khó nhất để có đổi mới sáng tạo mở chính là thiết kế hệ thống pháp lý và quy trình mở hoàn toàn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp theo mô hình đổi mới sáng tạo mở phải có niềm tin sâu sắc vào con đường đã lựa chọn, nhìn ra được chiến lược và cách làm phù hợp nhất dựa trên kinh nghiệm, học hỏi từ các doanh nghiệp khác đã thành công.