Startup Việt: Biến “nguy” thành “cơ” trong đại dịch
Tìm đường cho startup Việt vượt thách thức mùa dịch | |
Lối đi cho start-up giữa đại dịch | |
Startup Việt sẽ bứt phá |
Ngược dòng đại dịch
Tuy cả nền kinh tế đang chịu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh nhưng dòng vốn tìm tới các startup Việt trong thời gian qua vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng. Nhất là một số startup công nghệ đã ngược dòng đại dịch, thành công thu hút cả triệu USD từ các quỹ đầu tư.
Đơn cử chỉ trong tháng 9 vừa qua, KiotViet (một nền tảng thương mại dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam) và Công ty đầu tư toàn cầu KKR đã công bố việc ký kết các thỏa thuận. Theo đó, KKR sẽ tham gia với tư cách là nhà đầu tư chính trong Series B trị giá 45 triệu USD của startup này.
Hay Kobiton (giải pháp kiểm thử phần mềm trên thiết bị di động của Việt Nam) đã công bố huy động được 12 triệu USD từ các nhà đầu tư Mỹ; BuyMed (đơn vị điều hành Thuocsi.vn), một startup B2B về phân phối dược phẩm trực tuyến cũng thông báo nhận được khoản đầu tư trị giá 9 triệu USD trong vòng Series A.
Ảnh minh họa |
Ông Lữ Vincent Thế Hùng - Chủ tịch HĐQT, CTCP Đầu Tư & Công Nghệ A. YERSIN nhận định, “cái khó ló cái khôn”, chính dịch bệnh đã thôi thúc cộng đồng khởi nghiệp đưa ra nhiều ý tưởng khởi nghiệp mới, xu thế mới đã ra đời, cùng với việc người dùng đã bắt đầu làm quen với các công nghệ mới. Minh chứng là các dự án startup về game, công nghệ blockchain… đã phát triển mạnh.
Bà Tô Thùy Dương - Phó giám đốc Vườn Ươm, CTCP Viet Lotus cũng thông tin, so sánh tốc độ tăng trưởng của startup ở một số nước cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì dịch bệnh vẫn có nhiều startup tăng trưởng mạnh trên 30%. Rõ ràng đại dịch mang lại tổn thất nhưng cũng đồng thời mở ra nhiều cơ hội. Nếu doanh nghiệp biết nắm bắt, tận dụng thế mạnh và nguồn lực xung quanh mình thì hoàn toàn có thể sống tốt trong đại dịch.
Các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, cơ hội của các startup Việt hiện tại không chỉ ở các xu hướng, nhu cầu mới từ đại dịch mà còn là lực đẩy từ hệ sinh thái khởi nghiệp đang ngày càng trưởng thành.
Theo ông Trần Vũ Tuấn Phan - Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo), hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang đứng thứ tư trong khu vực và có thể sớm vươn lên vị trí thứ ba.
Hiện nay, các tổ chức trung gian hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đã xuất hiện nhiều hơn, cả nước có 40 tổ chức ươm tạo doanh nghiệp, mô hình không gian làm việc chung cũng được phát triển rộng rãi, thống kê cho thấy có 100 quỹ đầu tư mạo hiểm đang tham gia vào thị trường Việt Nam từ các quốc gia khác nhau.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng như quy trình đầu tư và thoái vốn dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định ngày một rõ ràng. Đặc biệt, Chính phủ đang có những bước đi quyết liệt trong phát triển nền kinh tế số, khi bước đầu triển khai khung pháp lý thử nghiệm cho các ngành nghề mới như công nghệ tài chính. Tất cả những lực đẩy trên sẽ giúp startup Việt tận dụng được cơ hội mở ra từ đại dịch.
Cách nào nắm bắt cơ hội?
Theo nhận định từ Báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC) và Quỹ Đầu tư mạo hiểm do Ventures phát hành mới đây, cùng với các ngành vốn đã phát triển mạnh mẽ như thương mại điện tử hay công nghệ tài chính (Fintech), các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), Online media (truyền thông trực tuyến), và các giải pháp số cho doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội bứt phá trong thu hút đầu tư thời gian tới.
TS. Phạm Văn Hồng - Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách Khoa học và Công nghệ cho rằng, có rất nhiều yếu tố để khởi nghiệp thành công nhưng suy cho cùng, nhà khởi nghiệp cần nắm vững nguyên tắc đó là “nhỏ, nhanh và tập trung”.
Cụ thể, không đầu tư dàn trải mà tập trung vào một lĩnh vực nhất định, dựa trên năng lực cốt lõi, sở trường của doanh nghiệp, “trở thành số một trong mảng hẹp”. Khi đã xác định được thị trường cần nhanh chóng thiết kế sản phẩm dựa trên nhu cầu của khách hàng. Biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp và học hỏi kinh nghiệm từ cả đối thủ cạnh tranh. Tập trung và kiên định với ý tưởng khởi nghiệp.
Còn theo ông Trần Vũ Tuấn Phan, sau cơn bão dịch, nhiều doanh nghiệp sẽ biến mất, mảng thị trường để trống sẽ lộ ra, thói quen của người dùng cũ sẽ thay đổi. Startup phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội, giải đáp những câu hỏi mới của người dùng, từ đó tái tạo hoạt động khởi nghiệp của mình. Chuyển từ khởi nghiệp theo phong trào sang thực chất.
Thực tế, điều băn khoăn của nhiều startup là khó tiếp cận thị trường. Đơn cử như nhiều nhà khởi nghiệp có kinh nghiệm về công nghệ, có ý tưởng kinh doanh hay nhưng lại thiếu kỹ năng bán hàng. Theo ông Lữ Vincent Thế Hùng, nếu là người sáng lập kỹ thuật thì hãy ngưng bán hàng, mời chuyên gia bán hàng tham gia. Các mô hình khởi nghiệp thành công cho thấy tầm quan trọng của đội ngũ cố vấn tham gia hỗ trợ.
Ngoài ra, bên cạnh những cố gắng từ phía startup, các chuyên gia cũng cho rằng cần tạo ra “sân bay” đủ lớn để doanh nghiệp “cất cánh”. Cụ thể là hoàn thiện chính sách và hành lang pháp lý hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp.
Thừa nhận thẳng thắn rằng tuy đã nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nhưng “trúng” và sát với doanh nghiệp thì chưa, ông Trần Vũ Tuấn Phan chỉ ra, các luật chỉ đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có phạm trù liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Như ngày 15/10 tới đây, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tế việc đánh đồng hai nhóm doanh nghiệp này chưa thực sự hợp lý.
Ngoài ra, nhiều quy định mới về công nghệ tiên phong như: blockchain, AI, điện toán đám mây… đã có nhưng mới chỉ đang tập trung vào nhóm doanh nghiệp thông thường, trong khi hoạt động đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều điểm khác biệt. Hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển nhưng vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, vẫn cần nhiều điều chỉnh để chính sách đưa ra chạm được đến nhóm doanh nghiệp “mầm non”.
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)