Động lực thúc đẩy ngân hàng chuyển đổi số
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Đảm bảo nhanh, an toàn và bền vững | |
Chuyển đổi số ngân hàng: Tăng trải nghiệm và an toàn cho khách hàng thế hệ mới | |
Ngân hàng không đứng ngoài cuộc chơi chuyển đổi số |
TS.Nguyễn Trí Hiếu |
Theo Vụ Thanh toán NHNN, hiện có tới gần 92% khách hàng thanh toán tiền điện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở các ngành thương mại điện tử, bán lẻ, y tế, giáo dục… Có thể thấy, hành vi người tiêu dùng ngày càng thay đổi, nhất là dưới tác động của dịch Covid-19 khiến cho bên cung ứng dịch vụ thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số…
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chính sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng đã tạo động lực thôi thúc các ngân hàng chuyển đổi số nhanh hơn. Thực tế, thời gian vừa qua, các ngân hàng cũng đã chạy đua cung ứng các sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại, Digital Banking, với hệ sinh thái số cũng đa dạng hơn... cho khách hàng. Trong khi người dân cũng như DN đã dần từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt thay vào đó sử dụng các dịch vụ thẻ, thanh toán trực tuyến qua các ngân hàng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng thanh toán trực tuyến chưa đồng đều, chỉ tập trung một số lĩnh vực như liên quan đến giao thông, du lịch, thương mại điện tử... Còn nhiều lĩnh vực khác, thanh toán trực tuyến vẫn còn hạn chế và người dân sử dụng hình thức thanh toán truyền thống là tiền mặt tương đối nhiều. Nhất là đối tượng khách hàng lớn tuổi.
Theo ông nguyên nhân vì sao dẫn đến việc này?
Tôi cho rằng có hai lý do. Đối với ngân hàng, việc chi phí đầu tư về công nghệ rất lớn, tốn kém do phải liên tục thay đổi thích ứng với xu thế. Đầu tư tốn kém như vậy, nhưng chưa thể tạo ra đột biến về doanh thu nên không phải ngân hàng nào cũng sẵn sàng đầu tư khoản chi phí lớn như vậy cho công nghệ. Do vậy, phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại chưa đồng đều. Đơn cử, hiện tại, chỉ có một số ngân hàng mới manh nha thử nghiệm phương thức định danh điện tử - eKYC...
Lý do thứ hai cũng là nguyên nhân cốt lõi do thu nhập người dân Việt Nam còn thấp. Hiện thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam mới khoảng 3.000 USD/người/năm - mức khá thấp so với nhiều nước trong khu vực. Khi mà thu nhập của họ thấp thì nhu cầu sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại cũng không nhiều. Tôi lấy ví dụ, có những người công nhân lương tháng chỉ 5-10 triệu đồng nên họ chỉ chờ đến ngày có lương là ra ATM rút tiền mặt để trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày còn chưa đủ thì làm sao còn dư dả để mua sắm, chi tiêu sử dụng phương tiện thanh toán khác của ngân hàng. Do đó, dù room cho các ngân hàng khai thác thương mại điện tử còn khá lớn, nhưng muốn phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thì buộc phải nâng mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam ít nhất khoảng 5.000 USD/người/năm nếu không thu nhập tiếp tục là cản trở lớn cho quá trình này.
NHNN ban hành Thông tư 16 cho phép các TCTD được mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC). Theo ông việc này có tạo bước đột phá trong chuyển đổi số không?
Tôi nghĩ quy định này thúc đẩy tích cực trong phát triển ngân hàng số, thu hút được một lượng khách hàng mới đặc biệt là giới trẻ và cả đối tượng vùng sâu, xa dùng phương tiện điện thoại hiện đại. Nhưng quy định mới này chưa thể tạo đột biến trong chuyển đổi số. Vì hiện tại cả ngân hàng và khách hàng còn thận trọng khi thực hiện nhận diện qua eKYC để mở tài khoản tại ngân hàng.
Đối với khách hàng, lo lắng về bảo mật thông tin khiến họ vẫn ngần ngại khi sử dụng dịch vụ này. Nhưng sự thận trọng phát triển hình thức này phần nhiều hơn từ phía người cung cấp dịch vụ là các ngân hàng. Không chỉ đầu tư chi phí lớn cho công nghệ phục vụ cho giải pháp này, việc lo ngại thông tin giả mạo, hacker thâm nhập hệ thống ngân hàng qua eKYC cũng khiến ngân hàng tỏ ra thận trọng hơn.
Ngoài ra một lý do nữa khiến ngân hàng còn chưa mạnh dạn triển khai đó là việc chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia. Chỉ khi nào cả quốc gia có Big Data với độ tin cậy cao thì các ngân hàng mới thấy yên tâm để triển khai nhận dạng đối với cá nhân khách hàng. Hiện tại, các ngân hàng vẫn đang tự khai thác dữ liệu để định dạng khách hàng mà quy mô khách hàng lớn. Mức độ tin cậy thông tin từ việc tự khai thác chưa cao trong khi ngân hàng phải định danh từ xa không được đối chiếu tận tay tận mặt dữ liệu khách hàng như trước kia nên mức độ tin tưởng triển khai eKYC chưa lớn. Việc sớm có một cơ sở dữ liệu quốc gia có ý nghĩa rất là quan trọng để các ngân hàng có thể triển khai eKYC.
Trong thời gian chờ đợi Big Data quốc gia, tôi cho rằng, các ngân hàng nên tăng cường sự kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để triển khai eKYC sớm hơn. Hiện tại, các ngân hàng chưa có kết nối tốt. Mỗi ngân hàng làm một kiểu vừa lãng phí, tốn kém mà chưa chắc hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!