Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội
Về nguyên tắc áp dụng pháp luật (Điều 4), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung cơ chế giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định việc áp dụng pháp luật trong các trường hợp theo đề nghị của Chính phủ để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa văn bản quy định chi tiết hoặc văn bản để thực hiện thẩm quyền do Luật Thủ đô giao với văn bản của các cơ quan nhà nước khác thì thực hiện theo văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô, văn bản thực hiện thẩm quyền do Luật Thủ đô giao (khoản 3 Điều 4). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc giao UBTVQH quyết định nội dung này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng thời cũng bảo đảm tính minh bạch của hệ thống pháp luật.
Hà Nội hướng đến thành phố phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội |
Về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND thành phố Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và UBND phường. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý các quy định về tổ chức bộ máy thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho thành phố Hà Nội, giúp chính quyền thành phố chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương một cách hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Riêng đối với nội dung phân quyền về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền thành phố Hà Nội (Điều 9), Thường trực Ủy ban Pháp luật và thành phố Hà Nội đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố (khoản 4 Điều 9) để bảo đảm tính chủ động, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn theo từng thời kỳ nhằm xây dựng, kiện toàn được bộ máy đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền bổ sung…
Dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý quy định về quản lý không gian ngầm để phân định rõ phạm vi không gian ngầm được phép sử dụng của người có quyền sử dụng đất, phạm vi không gian ngầm thuộc quyền quản lý, khai thác của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý có hiệu quả, khai thác giá trị gia tăng từ đất đối với phần không gian ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội theo chủ trương, yêu cầu tại các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị…
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá cao việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo ý kiến các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 6. Dự thảo Báo cáo tiếp thu, giải trình được chuẩn bị công phu với nhiều nội dung cụ thể, chi tiết.
Tuy nhiên, đại biểu thuộc đoàn Lạng Sơn băn khoăn nội dung bổ sung khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật chưa đưa ra tiêu chí nào để xác định thế nào là "thuận lợi hơn cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô". Chủ thể nào có thẩm quyền xác định những quy định thuận lợi hơn này. Trường hợp quy định "không thuận lợi hơn" thì xử lý ra sao. Bên cạnh đó, cần làm rõ tính hợp hiến của việc giao UBTVQH quyết định áp dụng quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội vì thẩm quyền này không phải là giải thích luật, nghị quyết và cũng không có trong Điều 74 của Hiến pháp 2013.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đặt ra yêu cầu Thủ đô Hà Nội phải là “thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”. Để đạt được mục tiêu này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc hoàn thiện thể chế, mà trọng tâm là hoàn thiện việc sửa đổi Luật Thủ đô là vấn đề cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, là cơ hội để Thủ đô Hà Nội bứt phá phát triển.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội như đề xuất trong dự thảo Luật; nhất trí với việc không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội. Bởi theo Tờ trình, qua quá trình thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đến nay đã phát huy hiệu lực, hiệu quả trên thực tế, không có vướng mắc, do đó, việc giữ ổn định tổ chức như vậy là phù hợp, tránh sự xáo trộn không cần thiết.
Tuy nhiên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhận thấy, hiện nay, tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh cũng đang thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, và khác với Hà Nội là cả hai thành phố này đều không tổ chức HĐND ở cả quận và phường. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại cả 3 địa phương nêu trên để nghiên cứu, cân nhắc có thể áp dụng tương tự tại thành phố Hà Nội (không tổ chức HĐND ở phường). Hoặc nếu không, cũng cần giải trình rõ lý do tại sao ở Hà Nội chỉ không tổ chức HĐND ở phường mà không phải cả cấp quận.