ECB có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 6
ECB báo hiệu khả năng cắt giảm lãi suất ECB phát tín hiệu chuẩn bị giảm lãi suất |
Có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 6
ECB đã giữ nguyên lãi suất vào tháng trước nhưng nói rõ rằng động thái tiếp theo của họ sẽ là cắt giảm, rất có thể là vào ngày 6/6, với điều kiện triển vọng lạm phát vẫn giữ nguyên như hiện tại. ECB đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2% và nhận thấy giá cả sẽ dao động ngay trên mục tiêu trong thời gian còn lại của năm nay trước khi giảm xuống mục tiêu vào năm 2025.
Trong khi phát biểu tại một sự kiện tài chính diễn ra hôm 17/5, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết, áp lực giá khu vực đồng euro tiếp tục giảm bớt, khiến các nhà hoạch định chính sách của ECB gia tăng niềm tin rằng lạm phát sẽ giảm trở lại mục tiêu vào năm tới.
“Lạm phát chung ở mức 2,4%, lạm phát lõi dưới 3%. Chúng tôi tin rằng trong những tháng tới, lạm phát sẽ dao động xung quanh các giá trị này”, De Guindos nói và cho biết thêm: “Trong trung hạn, vào năm 2025, chúng tôi sẽ tiến tới mục tiêu ổn định giá cả một cách ổn định là 2%".
Trước đó Mario Centeno - một nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết hôm 16/5 rằng lạm phát của khu vực đồng Euro đang giảm liên tục xuống còn 2% và lãi suất của ECB chắc chắn sẽ bắt đầu giảm. “Việc tỷ lệ lạm phát tiến gần tới 2% là có thật và chúng tôi chắc chắn rằng lãi suất chính sách tiền tệ sẽ giảm”, ông nói trong một cuộc họp báo ở Lisbon.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei ở Frankfurt hôm 17/5, Isabel Schnabel - thành viên hội đồng quản trị ECB cho biết, “tùy thuộc vào dữ liệu đến và các dự đoán mới của nhân viên Eurosystem của chúng tôi, việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 có thể là phù hợp”.
Một nhà hoạch định chính sách khác là Thống đốc NHTW Latvia Martins Kazaks cũng cho biết, tháng 6 vẫn là một sự đánh cược an toàn vì hiện tại tất cả các yêu cầu cho động thái này đã được đưa ra và nền kinh tế đang phát triển phần lớn như dự đoán.
Hiện thị trường cũng đang đặt cược là ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 6, tuy nhiên lộ trình sau đó vẫn đang là một dấu hỏi.
Nên cắt giảm dần
Theo Mario Centeno, lãi suất sẽ được quyết định dựa trên dữ liệu tại mỗi cuộc họp và ông muốn lãi suất được cắt giảm dần dần chứ không phải là việc giảm mạnh và đột ngột.
Nhà hoạch định chính sách Isabel Schnabel cũng cho rằng, "con đường sau tháng 6 còn không chắc chắn hơn nhiều", bởi "dữ liệu gần đây đã xác nhận rằng chặng đường giảm phát cuối cùng là khó khăn nhất”.
Bà cho biết, sau nhiều năm lạm phát ở mức “rất cao” và rủi ro về giá vẫn nghiêng về phía tăng. Đặc biệt những cú sốc địa chính trị như căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể gây ra rủi ro đối với triển vọng lạm phát. “Về lâu dài, sự phân mảnh địa chính trị sẽ gây ra rủi ro lạm phát cao hơn do làm giảm hiệu quả và độ tin cậy của chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà nói.
Trong bối cảnh đó, việc sớm đẩy thời điểm cắt giảm lãi suất lên phía trước sẽ có nguy cơ nới lỏng chính sách tiền tệ sớm. “Cần phải có những tiến bộ hơn nữa về lạm phát và đặc biệt là lạm phát trong nước, vốn đang ngày càng nghiêm trọng hơn, để củng cố niềm tin của chúng tôi rằng lạm phát sẽ quay trở lại mục tiêu 2% một cách bền vững muộn nhất là vào năm 2025”, Schnabel cho biết và nhấn thêm: ECB không thể cam kết trước với bất kỳ lộ trình lãi suất cụ thể nào vì "sự không chắc chắn rất cao" về triển vọng lạm phát. "Chúng ta nên hành động thận trọng. Chúng ta nên xem xét kỹ dữ liệu vì có nguy cơ nới lỏng sớm", bà nói.
Cũng có quan điểm tương tự, Thống đốc NHTW Latvia Martins Kazaks cho rằng, "do lạm phát sẽ đi ngang trong hầu hết thời gian của năm, bạn không nên mong đợi một số hành động nào đó sẽ xảy ra ở mỗi cuộc họp”. Theo ông, việc cắt giảm lãi suất tại các cuộc họp có thể sẽ diễn ra nếu diễn biến kinh tế không khác nhiều so với triển vọng của ECB, nếu không thì các nhà hoạch định chính sách nên trì hoãn.
“Nền kinh tế không quá yếu nên không có lý do gì để vội vàng cắt giảm lãi suất. Hãy thực hiện điều đó một cách có chừng mực và kiên nhẫn”, Kazaks nói.