eKYC: Nên thí điểm trước khi triển khai rộng rãi
Từng bước hiện thực hoá eKYC | |
Một chuẩn eKYC tập trung? | |
eKYC: Cửa đã mở, nhưng không nên vội |
Ông Ngô Tấn Vũ Khanh |
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có đề xuất quy định cho phép ngân hàng được mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng. Định danh khách hàng theo phương thức điện tử (eKYC) là xu hướng phát triển tất yếu trong kỷ nguyên số.
Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc quốc gia Kaspersky tại Việt Nam cho rằng: eKYC là dịch vụ nền tảng thiết yếu cho việc phát triển mô hình NH số (hay tiến xa hơn là chính quyền số). Thời gian giãn cách xã hội vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho thấy khách hàng ngày càng lựa chọn giao dịch online nhiều hơn so với offline, các ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng lựa chọn giao dịch, thanh toán trên môi trường số. Để thúc đẩy mạnh hơn giao dịch online, phải đẩy nhanh tiến trình áp dụng eKYC cho các ngân hàng. Triển khai eKYC sẽ giúp tối đa hoá nguồn nhân lực, giảm thiểu sai sót về mặt con người, rủi ro về đạo đức.
Việc NHNN đưa nội dung cho phép ngân hàng được xây dựng quy trình, thủ tục mở tài khoản thanh toán không gặp mặt trực tiếp khách hàng trong dự thảo Thông tư là phù hợp và rất cần thiết giai đoạn này, tăng tính chủ động cho ngân hàng. Nếu được chính thức thông qua sẽ có tác động rất tích cực đối với cả phía ngân hàng cũng như khách hàng, khi các nhà băng mở rộng được lượng khách hàng, còn khách hàng cũng có cơ hội để sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn. Làm được eKYC, cũng là góp phần từng bước hiện thực hoá mục tiêu đặt ra tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 1/2020.
Lợi ích thì đã rõ, nhưng triển khai eKYC cần quan tâm vấn đề gì, thưa ông?
Hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đều có các ứng dụng điện thoại (mobile banking application), hỗ trợ tối đa việc xác thực người dùng qua sinh trắc học. Do đó, tự phát triển phần mềm xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử eKYC dựa trên các ứng dụng đã có hay tích hợp với các bên thứ ba là tương đối đơn giản. Nếu quy định thông qua việc cho phép các ngân hàng tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng thì chúng ta sẽ phải nói tới việc các nhà băng sẽ sử dụng giải pháp và hình thức như thế nào để triển khai eKYC. Trong xác minh khách hàng, ngân hàng phải kết nối được với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG) của Bộ Công an để hạn chế tối đa việc dùng CMT, thẻ căn cước giả…
Tuy vậy, CSDLQG hiện nay vẫn chưa đi vào hoạt động nên đây là một trong những vướng mắc trong triển khai eKYC. Vì việc kết nối với CSDLQG sẽ hỗ trợ ngân hàng rất nhiều trong đảm bảo tính chính xác, tiết kiệm thời gian của quá trình eKYC khách hàng. CSDLQG khi chính thức được hoàn thành cũng cần sớm có cơ chế chia sẻ, kết nối thông tin với một số lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm… để thúc đẩy dịch vụ ngân hàng số, tài chính số. Các ngân hàng cũng nên nghiên cứu, xem xét thiết lập quan hệ với các bên thứ ba để bồi đắp cơ sở dữ liệu cho mình, với thời đại bây giờ quy mô và chất lượng dữ liệu sẽ là tài sản vô giá nâng cao sức cạnh tranh cho mỗi tổ chức, đơn vị.
Xây dựng hành lang pháp lý cho eKYC cũng liên quan tới một vấn đề nữa là chữ ký số. Ngân hàng số sẽ đi cùng với yêu cầu về chữ ký số tăng lên khiến môi trường chữ ký số rộng hơn, khi định danh được khách hàng thì chi phí chữ ký số sẽ giảm xuống. Thêm vào đó, việc các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số xác thực chéo với nhau (đặc biệt là DN thương mại và DN cung cấp chữ ký số cho cơ quan nhà nước) cũng đang là vấn đề lớn, cần phải giải quyết được trong tương lai gần.
Như ông nói, hiện còn khá nhiều vấn đề nếu muốn để triển khai eKYC, vậy chỉ nên làm thí điểm?
Nếu được cho phép xác thực khách hàng điện tử thì số khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên để có thể triển khai tốt được eKYC và tránh những rủi ro có thể phát sinh, tôi cho rằng các ngân hàng nên nghiên cứu cho phép áp dụng thí điểm eKYC giới hạn ở một số hoạt động, dịch vụ nhất định, từ đó có những đánh giá toàn diện, rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng rãi. Vì trên thực tế không phải giao dịch nào cũng có yêu cầu mức độ xác thực như nhau mà ngân hàng cần phải phân loại theo nhóm giao dịch.
Cơ sở dữ liệu mà eKYC ghi nhận vào hệ thống cũng rất quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đối với quyền riêng tư cá nhân nếu không được sử dụng đúng luật pháp và được sự chấp nhận của thị trường. Do đó cũng rất cần các bên liên quan tham gia dự thảo nhằm có một thị trường eKYC minh bạch và an toàn để góp phần phát triển ngân hàng số tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!