EVFTA: Nhìn lại để hướng tới
Những con số ấn tượng
Theo số liệu từ Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 khi Hiệp định chưa có hiệu lực. Trong đó, xuất khẩu tăng 18,3%, đạt 19,4 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 19,1%, đạt 8,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; dệt may; rau quả; thủy sản; gạo; cà phê… Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc các loại, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.
Đáng chú ý, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA với hàng xuất khẩu lên đến 29,09%. Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019. Đơn cử như, sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD, tăng 56,91%; gạo đạt 5,2 triệu USD, tăng 3,73%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD, tăng 33,75%; rau quả đạt 63,8 triệu USD, tăng 12,5%. Từ 1/8/2020 đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
“Như vậy có thể thấy sau một năm có hiệu lực, EVFTA đã mang lại cho hai bên rất nhiều kết quả tích cực”, ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU cho biết và nhấn mạnh: “Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, EVFTA càng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp EU và Việt Nam duy trì và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, đồng thời giúp tạo ra các động lực cho tăng trưởng thời gian tới”.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng, hiện các Chính phủ trên thế giới đều đang tập trung mọi nguồn lực để chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua EVFTA. “Trên thực tế, một khi chiến dịch tiêm chủng được triển khai và đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế của chúng ta cần phải mở cửa trở lại để phục hồi và EVFTA sẽ là một trong những công cụ quan trọng nhất”, ông Alain Cany nhận định trong một hội thảo trực tuyến mới đây đánh giá về 12 tháng đầu tiên thực thi EVFTA.
Theo Chủ tịch EuroCham, những con số như vậy sẽ tiếp tục tăng lên khi đại dịch Covid-19 qua đi và đặc biệt là khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) có hiệu lực (sau khi Hiệp định này được phê chuẩn ở từng quốc gia thành viên EU).
Kỳ vọng thêm cú huých từ EVIPA
Trong khi đó theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương, các số liệu cho thấy các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như giày dép, dệt may, gạo, cao su… vẫn duy trì được đà xuất khẩu vào EU và tận dụng tốt EVFTA. Không chỉ mang lại giá trị xuất khẩu hàng hóa, EVFTA còn tạo ra các cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực tiềm năng đi kèm với mức độ áp dụng công nghệ cao vào những lĩnh vực này, tạo thêm sức bật và cạnh tranh cho Việt Nam trong hội nhập. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực thi EVFTA, Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách thể chế, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy định, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh…
Dù hiệu quả tận dụng cơ hội từ EVFTA của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua, nhưng theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện mới có 38/63 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu với các nước EU; tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sang EU mà các doanh nghiệp sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA vẫn thấp so với mức trung bình các FTA đã có. Điều đó cho thấy, tiềm năng thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai bên còn rất lớn và các doanh nghiệp cần quan tâm khai thác hơn nữa.
“Nếu chúng ta muốn phát triển dựa trên nền tảng đầy hứa hẹn này, chúng ta cần phải cùng nhau hợp tác hơn nữa. EVFTA sẽ không thành công nếu không có nỗ lực phối hợp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Việc thực thi Hiệp định chưa phải là kết quả cuối cùng. Chúng ta cần duy trì các nỗ lực tương tự như những gì chúng ta đã làm suốt 10 năm qua”, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy các kênh đối thoại chung và hợp tác trong thực hiện EVFTA để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đồng thời giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực thi, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi và công bằng nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hơn nữa trong các lĩnh vực hợp tác mà phía EU có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu lớn như trong lĩnh vực kinh tế số, năng lượng sạch, giáo dục… Đặc biệt, hai bên cần hợp tác và làm việc chặt chẽ trong lĩnh vực thể chế và pháp luật liên quan đến môi trường, lao động… để đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU cũng như các cam kết trong Hiệp định.
Ngoài ra để thúc đẩy các hoạt động đầu tư giữa hai bên, ông Thảo cho rằng cần thúc đẩy nhanh hơn nữa việc các nước thành viên phê chuẩn EVIPA. “Tôi tin tưởng khi EVIPA có hiệu lực sẽ là cùng với EVFTA trở thành động lực quan trọng thúc đẩy đầu tư hai bên. EVIPA sẽ giúp các doanh nghiệp châu Âu biết đến thị trường tiềm năng Việt Nam, đồng thời đáp ứng nhu cầu nhập khẩu công nghệ cao từ EU. Vì vậy tôi kỳ vọng các doanh nghiệp EU sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc các nước thành viên EU sớm phê chuẩn EVIPA như đã từng ủng hộ với EVFTA”, Đại sứ kiêm Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU nhấn mạnh.