Fed tiếp tục "hỗ trợ đắc lực" để kinh tế phục hồi
Chủ tịch Fed vẫn kiên định với mục tiêu phục hồi việc làm, bất chấp lạm phát cao | |
Giá tiêu dùng của Mỹ tăng cao nhất trong 13 năm | |
Fed vẫn kiên nhẫn trước áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ |
Chưa vội thắt chặt chính sách
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ, Jerome Powell cho biết ông tin tưởng rằng những đợt tăng giá gần đây có liên quan đến việc mở cửa trở lại sau đại dịch và sẽ “nguội” dần theo thời gian, do đó Fed đang hướng tập trung vào việc hỗ trợ thu hút được càng nhiều người trở lại làm việc càng tốt. Ông Powell cho biết, bất kỳ động thái nào nhằm giảm bớt hỗ trợ cho nền kinh tế, như thông qua việc giảm quy mô chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng của Fed vẫn còn là “một chặng đường dài” khi số việc làm vẫn thấp hơn tới 7,5 triệu so với thời điểm trước đại dịch.
Điều hành chính sách của Fed đang trong thế lưỡng nan hơn |
“Chỉ số lạm phát tăng cao là do một nhóm nhỏ hàng hóa và dịch vụ liên quan trực tiếp đến việc mở cửa trở lại tăng mạnh”, ông Powell phân trần – và đây ngôn ngữ cho thấy Fed không cần phải vội vàng chuyển sang chính sách hậu đại dịch. Cho đến thời điểm hiện nay, Fed vẫn dự kiến sẽ tiếp tục chương trình mua trái phiếu ở quy mô hiện tại cho đến khi có "tiến bộ đáng kể hơn nữa" về việc làm và lãi suất có thể tiếp tục được giữ ở mức rất thấp hiện nay cho đến ít nhất là năm 2023.
Nhưng những phản hồi từ các nhà lập pháp cho thấy mức giá cả tăng gần đây đã trở thành vấn đề hệ trọng như thế nào trong cuộc tranh luận công khai xung quanh hướng hành động của Fed. Trong đó các đảng viên Đảng Dân chủ muốn ông Powell không vội quay sang chính sách thắt chặt hơn vì sẽ gây khó cho đà phục hồi, còn Đảng Cộng hòa lại tỏ ra lo lắng về việc Fed phản ứng quá chậm. Phiên bản cập nhật mới nhất báo cáo Beige Book của Fed đã ghi nhận tình trạng tăng giá "trên diện rộng" và hoạt động kinh tế của các bang cho thấy phần lớn dự kiến sẽ tăng thêm chi phí đầu vào cũng như giá bán trong những tháng tới.
Hạ nghị sĩ Ann Wagner, Đảng viên Cộng hòa Missouri, lưu ý rằng tại phiên điều trần vào tháng 2, Chủ tịch Fed đã khẳng định việc giá tăng sẽ chỉ là "tạm thời". “Nửa năm sau, tôi có thể nói với ông rằng, các gia đình và doanh nghiệp mà tôi đại diện không cảm thấy rằng những đợt tăng giá này chỉ là tạm thời. Từ nhà ở, thiết bị gia dụng, thực phẩm hay khí đốt”, bà Ann Wagner nói.
Tiến thoái lưỡng nan
Một đại diện khác đến Đảng Cộng hòa ở Ohio là hạ nghị sĩ Anthony Gonzalez, thì “xoáy” và một khuôn khổ mới của Fed nhằm khuyến khích việc làm cao hơn bằng cách để lạm phát “chạy vừa phải” trên mục tiêu 2% đặt ra "trong một thời gian". “Nhưng một thời gian là bao lâu?”, Gonzalez đặt câu hỏi và đưa ra các lập luận cho rằng chính sách hiện tại của Fed có thể không có tác dụng khuyến khích tạo thêm việc làm vào thời điểm mà các nhà tuyển dụng đã đăng tải số lượng việc làm kỷ lục như hiện nay. Hiện tại lạm phát đang ở mức cao hơn 2%. Câu hỏi đặt ra cho Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) là nếu điều này sẽ cứ tiếp diễn thì họ sẽ phải hành động thế nào trong sáu tháng tới? Rõ ràng, Fed đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan nếu giá cả tiếp tục leo thang.
Lợi tức Kho bạc Hoa Kỳ đã giảm nhẹ sau phiên điều trần vừa qua của Chủ tịch Powell, mặc dù dữ liệu vào thứ Tư cho thấy giá nguyên liệu đầu vào của các nhà máy đã tăng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong tháng 6. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy thị trường ngầm hiểu các quan điểm mà ông Powell đưa ra là tín hiệu cho thấy Fed sẽ tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng trong một thời gian nữa.
Cuộc họp chính sách tháng 6 của FOMC đã cho thấy các quan chức Fed muốn bắt đầu hướng tới chính sách hậu đại dịch, với một số thành viên cho rằng cần sẵn sàng thắt chặt các điều kiện tài chính sớm hơn để đảm bảo lạm phát được kiềm chế. Trong khi đó các thành viên khác, trong đó có Chủ tịch Powell thì cho rằng, cần dựa nhiều hơn vào các diễn biến thực tế và đủ dài để khẳng định xu hướng phục hồi của nền kinh tế và lạm phát nên sẽ là sai lầm nếu hành động quá sớm. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 tại Mỹ đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng nhanh nhất trong 13 năm và chi phí đầu vào sản xuất tiếp tục tăng vọt báo hiệu áp lực vẫn đang tiếp diễn.
Trong số các rủi ro cần xem xét, xuất hiện một rủi ro mới là quá trình phục hồi có thể chậm lại nếu chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp suy yếu trong bối cảnh gia tăng các ca nhiễm mới liên quan đến biến chủng Delta. Lợi tức trái phiếu kho bạc giảm đã cho thấy mối lo ngại này của các nhà đầu tư. Fed muốn thấy những tiến triển tiếp tục về việc làm, sự phục hồi của các ngành bị tàn phá nặng nhất bởi đại dịch để dần thoát khỏi các chính sách hỗ trợ hiện nay.
Khi ông Powell phát biểu lần gần đây nhất về nền kinh tế tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách ngày 15-16/6, thời điểm này các ca nhiễm Covid mới hàng ngày đang giảm xuống các mức rất thấp và báo cáo của Fed đã bỏ đi một dòng quan trọng “đại dịch đang tàn phá nền kinh tế”, có lẽ bởi Fed tin rằng Covid-19 không thực sự có nguy cơ gây ra điều đó nữa. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, biến chủng Delta đã đẩy số ca nhiễm mới mỗi tuần trung bình từ mức 11.000 nhanh chóng tăng lên trên 21.000 ca và các quan chức y tế quan ngại về sự lây lan nhanh hơn do biến chủng này ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.