Giá bất động sản công nghiệp đạt đỉnh mới, tăng 7,1% so với cùng kỳ
Đại diện JLL cho biết, việc hạn chế di chuyển trong thời kì bùng phát Covid-19 đã gây khó khăn cho việc thực địa dự án và gặp gỡ trực tiếp với các chủ đầu tư khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu đất công nghiệp vẫn giữ đà tăng trong Q3/2020 do Việt Nam vẫn là điểm đến thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh hạn chế này, ngày càng có nhiều nền tảng trực tuyến được đầu tư như thực địa ảo trực tuyến, hội thảo, nâng cấp trang web... Do đó, khách thuê vẫn có cơ hội đánh giá tiềm năng và thuê đất từ xa.
Ngoài ra, vẫn còn một số giao dịch bắt đầu trước dịch và ký kết trong quý này, tất cả yếu tố trên đã thúc đẩy tỉ lệ lấp đầy trung bình khu công nghiệp các tỉnh miền Bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương tăng 160 đpt so với Q1/2020, đạt 74% trong Q3/2020.
Nguồn cầu chính cho đất công nghiệp vẫn là các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất ra ngoài Trung Quốc - đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Trong khi đó, khách hàng chủ chốt cho nhà xưởng xây sẵn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Với quỹ đất lớn hiện hữu, Hải Phòng và Bắc Ninh dẫn đầu về nguồn cung đất công nghiệp tại miền Bắc.
Trong bối cảnh làn sóng đầu tư sắp tới, các tỉnh và thành phố phía Bắc đã lên kế hoạch thêm mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện có, trong đó Hưng Yên và Hải Dương là những địa phương năng động nhất trong việc phát triển các khu công nghiệp mới.
Nhìn chung, nguồn cung đất ở miền Bắc dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.
Với tiềm năng của Việt Nam sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất bền vững, hầu hết các chủ đầu tư ở các thị trường phía Bắc đều duy trì lợi thế thương lượng lớn bất chấp những khủng hoảng từ đại dịch.
Theo đó giá đất đạt đỉnh mới với 102 USD/m2/chu kỳ thuê trong Q3/2020, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ, dao động từ 4,1-5,2 USD/m2/tháng trong Q3/2020, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn duy trì mạnh mẽ do Việt Nam được thúc đẩy là cường quốc công nghiệp mới ở khu vực. Điều này sẽ hỗ trợ cả cung và cầu đối với bất động sản công nghiệp ở miền Bắc trong tương lai.
Hơn nữa, một số đổi mới trong thời kỳ bùng phát gồm các ứng dụng ảo và nền tảng tiếp thị trực tuyến đã cho thấy hiệu quả và sẽ trở nên phổ biến hơn. Vì vậy, các chủ đầu tư khu công nghiệp muốn thúc đẩy kinh doanh trong thời kỳ khó khăn này nên xem xét đầu tư nghiêm túc vào các nền tảng trực tuyến.
Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến cuối tháng 5 năm 2020, cả nước có 561 khu công nghiệp, bao gồm cả các khu công nghiệp trong quy hoạch chung xây dựng các khu kinh tế có trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 201 nghìn ha (chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước).