Giải bài toán mua căn hộ trước áp lực tăng giá
Giá căn hộ trung tâm khó hạ Hà Nội: Mất cân đối cung cầu nhà ở FDI tác động tích cực tới thị trường căn hộ dịch vụ tại Việt Nam |
Nguồn cung căn hộ trong năm 2023 đều ghi nhận sự giảm sút tại hai thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. |
Đô thị hóa diễn ra nhanh chóng kéo theo nhu cầu về nhà ở tăng vọt trong khi quỹ đất dần cạn kiệt, nguồn cung nhà ở liên tục sụt giảm do tình trạng dự án chậm triển khai, cộng hưởng với giá trị đất đô thị tăng thêm khi hạ tầng và dịch vụ công cộng được nâng cấp thúc đẩy giá căn hộ liên tục thiết lập mặt bằng mới trong suốt nhiều năm trở lại đây.
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, chỉ số giá căn hộ tại Hà Nội năm 2023 đã tăng khoảng 38 điểm phần trăm so với năm 2019. Còn tại TP. Hồ Chí Minh là 16 điểm phần trăm.
Theo bà Phạm Thị Miền - Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), giá căn hộ tại Hà Nội ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trong khi giá căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá trở lại cùng với đà giảm giá chậm dần ở các dự án cao cấp, hạng sang trên thị trường thứ cấp.
Lực cầu mua nhà tăng mạnh không chỉ từ nhu cầu ở từ sự chuyển dịch của các hộ gia đình thành phố, sự gia tăng không ngừng của lực lượng lao động, sinh viên đổ về các thành phố để làm việc và học tập, nhất là tại Hà Nội; mà còn được đóng góp bởi lượng lớn nhu cầu đầu tư đang tăng lên khi giá thuê căn hộ cũ, mới tại các khu dân cư vẫn liên tục tăng kể từ sau giãn cách, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang phục hồi.
Thống kê từ Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm chung cư bán toàn quốc trong tháng 01/2024 tăng 66% so với cùng kỳ 2023, lượng tin đăng bán bất động sản cũng tăng 46%. Cụ thể, lượng tìm kiếm chung cư trong tháng 01/2024 tại Hà Nội tăng 71% so với cùng kỳ. Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tìm kiếm chung cư cũng tăng 59%. Xu hướng này diễn ra tương tự tại hầu hết các tỉnh, thành khác.
Bất chấp sự tăng lên mạnh mẽ từ nhu cầu của người mua nhà, nguồn cung căn hộ vẫn phát triển không tương xứng. Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới trong năm 2023 ước đạt 10.500 căn, giảm khoảng 31% so với năm trước. Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung căn hộ mới ước đạt gần 7.500 căn, giảm hơn 50% so với cùng kỳ 2022.
Nguồn cung căn hộ sụt giảm trong thời gian qua do số lượng dự án bất động sản được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm trong khi các dự án đang triển khai “chật vật" bởi các vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn.
Mặc dù nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các Bộ, ngành đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, số lượng dự án được triển khai, tái khởi động trở lại trong năm 2023 tăng mạnh, nhưng áp lực dòng tiền vẫn chưa vơi đối với các doanh nghiệp địa ốc.
Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn là thách thức đối với doanh nghiệp trong năm 2024, nhất là các doanh nghiệp địa ốc, với gần 115,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn, chiếm 41,4% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn năm nay, theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Sau một thời gian dài sụt giảm, nguồn cung căn hộ ở cả hai đô thị đặc biệt cũng dự kiến sẽ tăng trở lại nhờ sự phục hồi của thị trường và các nỗ lực gỡ vướng pháp lý cho các dự án của cơ quan quản lý Nhà nước.
Đặc biệt là nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, nguồn cung này cần thời gian hoàn thành các thủ tục pháp lý trước khi chính thức đưa ra thị trường và chủ yếu đến từ khu vực xa trung tâm.
Theo ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản SGO Homes, để đưa giá chung cư về sát hơn với thu nhập của người dân thì phải tăng nguồn cung nhà ở.
"Đầu tiên là loại bỏ vướng mắc pháp lý liên quan đến các dự án nhằm đảm bảo rằng các dự án này có thể được triển khai và xây dựng", ông Trung chia sẻ. Đặc biệt, cần phải tăng nguồn cung nhà giá rẻ để giúp đại bộ phận người dân có thể sở hữu. Do đó, các cơ quan chức năng đang khẩn trương đẩy mạnh tiến độ Đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội. Bởi lẽ hiện nay, các dự án mới rất ít nhưng lại chủ yếu ở phân khúc cao cấp. Người có thu nhập thấp hoặc trung bình khó lòng mà với tới.
Đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam kỳ vọng, cùng với nền tảng của hàng loạt các yếu tố tích cực của thị trường hiện tại, đến giữa năm 2025, khi các bộ Luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản mới được thông qua với các quy định mới theo hướng gỡ khó cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chính thức có hiệu lực.
"Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ bật tăng, mặt bằng giá căn hộ sẽ xuống mức phù hợp hơn với người dân có nhu cầu ở thực", đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ.