Giải ngân ODA: Làm việc nửa vời là không ổn
Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc “kiểm điểm” vấn đề giải ngân ODA | |
7 nguyên nhân chính khiến nhiều dự án ODA chậm giải ngân |
Các bộ, ngành, địa phương “phải để tâm vào” để thúc đẩy giải ngân |
Giải quyết 3 đọng: vốn đọng, nợ đọng, thủ tục đọng
Đây là hội nghị lần thứ 3 trong 3 tháng qua mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì nhằm kiểm tra tình hình giải ngân cũng như tháo gỡ các vướng mắc khi giải ngân, một trong những yếu tố quan trọng tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Tại Hội nghị này các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tình hình thực hiện giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài và thảo luận các biện pháp tháo gỡ vướng mắc, để làm sao giải quyết “3 đọng” thường thấy trong vấn đề giải ngân mà Thủ tướng đã chỉ ra: Vốn đọng (có tiền đó mà không tiêu được), nợ đọng (tức là hạn mục thi công xong, đã hoàn thành nhưng không quyết toán, “cứ ngâm đó mãi”) và thủ tục đọng.
Báo cáo tại Hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31/10/2020 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo báo cáo của Bộ Tài chính ước đến ngày 31/10/2020, phần lớn các bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân thấp. Đáng lưu ý là đã có 9 địa phương và có 9 bộ và cơ quan trung ương đề nghị chuyển trả lại 6.338 tỷ đồng vốn đầu tư công. “Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương hoàn trả kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2020. Việc này đã gây sức ép lên NSNN trong các năm tiếp theo, giảm uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ”, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu “kiểm điểm” và nhấn mạnh: “không thể chấp nhận tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được, cứ cam chịu nghèo. Đây là nghịch lý của sự yếu kém về quản lý của chúng ta, phải kiên quyết đổi thay… Chỉ khi nào chúng ta quyết tâm, đưa ra một mục tiêu cụ thể thì mới hành động được, còn làm việc nửa vời thì không ổn”.
Nguyên nhân giải ngân chậm đã được các bộ, các địa phương nêu lên, trong đó có nhiều nguyên nhân đã nhiều lần được nói đến. Tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lên 6 nguyên nhân chính. Trong đó có nguyên nhân về thủ tục và quy trình phức tạp. Đã có 26 dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quá trình điều chỉnh thường phải lấy ý kiến nhiều cơ quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, nhiều cơ quan chậm trễ trong việc có ý kiến (nhiều trường hợp từ 2 đến 3 tháng mới nhận được ý kiến của các cơ quan như dự án Phát triển hạ tầng du lịch do ADB tài trợ).
Bên cạnh đó, quá trình đàm phán các hiệp định vay với các nhà tài trợ, đặc biệt với các nhà tài trợ song phương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức...) thường kéo dài, có trường hợp trên 3 năm. Nguyên nhân chính do việc đàm phán các điều khoản về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Ngoài ra, quá trình thẩm định cho vay lại đối với các cơ quan, đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập mất nhiều thời gian, có trường hợp hiệp định vay đã ký song hợp đồng vay lại phải mất từ 1 đến 2 năm mới được ký kết...
Có tiền không tiêu được vì sao?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói thêm nguyên nhân còn có thể do sự khác biệt và yêu cầu không phù hợp từ nhà cung cấp ODA, khiến đơn vị thực hiện gặp khó khăn. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay, mỗi nhà tài trợ đều có cách làm riêng, quy định riêng nên đối tác phía Việt Nam phải tìm hiểu các quy định của họ để phối hợp giải quyết những nội dung, vấn đề chưa thống nhất.
Nói về nguyên nhân “có tiền không tiêu được”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do một số dự án không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành nên không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân. Trong đó dự án chưa hoàn thành thủ tục đàm phán, nhưng đã được bố trí kế hoạch vốn nên không thể giải ngân, như dự án Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Hạ Long (vốn JICA), dự án Mở rộng khả năng sản xuất dược chất phóng xạ của Bệnh viện 108 (vốn Bỉ)...
Lại có dự án đã ký hiệp định vay và đã có hiệu lực, đã được bố trí kế hoạch vốn nhưng chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư trong nước nên không thể giải ngân. Việc cung cấp ý kiến pháp lý của Bộ Tư pháp để các hiệp định vay vốn có hiệu lực cũng kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Chẳng hạn, đối với các hiệp định vay vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trên 80% các dự án cần trên 90 ngày mới có được ý kiến tư pháp để hiệp định vay có hiệu lực.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết thêm một số nguyên nhân do đặc thù của dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi như quy trình quản lý dự án như mua sắm, đấu thầu, giải ngân của các nhà tài trợ là khác nhau. Nên khi có điều chỉnh dự án, ngoài thực hiện các thủ tục trong nước còn phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh hiệp định vay với nhà tài trợ nước ngoài tương đối phức tạp. Đặc biệt đối với các hiệp định vay là các điều ước quốc tế thì còn phải báo Chính phủ trình Chủ tịch nước phê duyệt. Một số dự án vướng cơ chế nên chưa xác định được phần cấp phát/cho vay lại để giao vốn triển khai thực hiện trong năm 2020...
Thời gian còn 2 tháng, vốn còn khoảng 41.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch chưa giải ngân. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “phải để tâm vào” chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý giải quyết tồn tại, bất cập để thúc đẩy giải ngân. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Phải chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu và cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm.