Gỡ khó cho công nghiệp hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh
Tăng cường kết nối trong công nghiệp hỗ trợ | |
Tìm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt | |
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần giải pháp tài chính phù hợp |
Theo lãnh đạo Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, năm 2022, sản xuất công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng 14,2% so cùng kỳ, trong đó, nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 16,4% so cùng kỳ.
Đến nay, Khu Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn nước ngoài (FDI) là 10,107 tỷ USD, các doanh nghiệp trong nước là 1,961 tỷ USD. Nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ cao như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… Theo các chuyên gia kinh tế, để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực cũng như liên kết hợp tác tốt hơn theo chuỗi.
Các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đang rất cần được hỗ trợ đồng bộ và thiết thực hơn |
Tuy nhiên, ông Hoàng Thọ Vượng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong hoạt động, mà lớn nhất là vấn đề quỹ đất. Hiện TP.Hồ Chí Minh có 3 khu công nghiệp và khu công nghệ cao có phân khu dành riêng cho nhóm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Thế nhưng, các doanh nghiệp cho biết, thuê đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đồng nghĩa với việc không thể thế chấp vay vốn ngân hàng, xin giấy phép xây dựng để triển khai đầu tư. Trong đó, khu công nghiệp Hiệp Phước đã có tỷ lệ lấp đầy đạt 93/200ha, nhưng tình trạng kéo dài thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những dự án đầu tư tại đây khiến nhiều doanh nghiệp e ngại đầu tư dù quỹ đất còn khá nhiều.
Cùng với đó, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó về nguồn vốn đầu tư để đổi mới công nghệ sản xuất. Ông Châu Bá Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên cho biết, công nghệ sản xuất là yếu tố cốt lõi quyết định cơ hội gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp. Bởi ngoài việc phải yêu cầu về chất lượng, thì doanh nghiệp nội phải cạnh tranh được về giá thành sản phẩm với các doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng. Phần lớn doanh nghiệp FDI cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã có thâm niên và kinh nghiệm nên có nội lực và công nghệ, nguồn vốn rất mạnh, giá thành sản phẩm rất tốt. Trong khi đó, phần lớn công nghệ sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt đã bị lạc hậu, hiệu suất thấp nên khó cạnh tranh.
Ông Vượng cũng nhìn nhận, hiện phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là nhỏ và siêu nhỏ. Dù đã tham gia hoặc chưa tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thì biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp này đều rất mỏng. Từ đầu năm đến nay, những diễn biến bất lợi từ thị trường đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng hoặc chỉ hòa vốn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội Điện và Cơ khí TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất mà Chính phủ ban hành, kèm theo đó là nới lỏng điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp (theo hình thức tín chấp căn cứ trên nguồn thu, thương hiệu, khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp). Mặt khác, cơ quan chức năng cần kéo dài các gói vay lãi suất thấp từ 6-12 tháng thay vì chỉ 3-6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp. Riêng với TP.Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố cần sớm mở lại chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vốn bị gián đoạn thời gian qua, để gỡ khó về vốn cho các doanh nghiệp.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh cho biết, UBND TP.Hồ Chí Minh đã thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2023. Theo đó, TP.Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng thị trường; kết nối cung cầu sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất…
Khẳng định chủ trương xuyên suốt của TP.Hồ Chí Minh trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng từ hơn 10 năm nay, các nghị quyết, văn kiện, kế hoạch chỉ đạo của UBND TP.Hồ Chí Minh cũng đã thể hiện rất rõ ràng quyết tâm đẩy nhanh việc thay đổi quy trình, công nghệ sản xuất của doanh nghiệp theo hướng hiện đại hơn. TP.Hồ Chí Minh đang chuẩn bị hơn 300 héc ta đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ trợ ứng dụng công nghệ cao. Thành phố sẽ có chính sách hỗ trợ tiếp tục hoạt động đối với các doanh nghiệp ưu tiên thay đổi công nghệ để doanh nghiệp trở thành đầu đàn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ và sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
“TP.Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu thêm cơ chế chính sách về đất đai, thuế, hải quan, thủ tục hành chính, các biện pháp kích cầu… để có thể hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ thiết kế, sản xuất ra sản phẩm công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế thành phố”, ông Hoan cho biết.