Tăng cường kết nối trong công nghiệp hỗ trợ
Doanh nghiệp FDI vẫn khó tìm nhà cung cấp thiết bị phụ trợ | |
Tìm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt | |
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần giải pháp tài chính phù hợp |
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn nhất Đông Nam Á không những vì quy mô dân số đạt trên 100 triệu người mà còn đang vươn lên là nước dẫn đầu khu vực về kim ngạch xuất khẩu.
Ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) cho biết, CNS đã đầu tư 340 tỷ đồng để đổi mới dây chuyền sản xuất của đơn vị thành viên là Công ty Cơ khí chính xác CNS Amura. Hiện công ty đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Tập đoàn Samsung và triển lãm này là cơ hội để công ty có thể đa dạng hóa đơn hàng, khách hàng, hướng đến đạt mục tiêu nâng doanh thu khoảng 220 tỷ đồng vào năm 2023, tăng 10% so với năm 2022.
Ảnh minh họa. |
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, với vai trò là trung tâm kinh tế, dịch vụ, thương mại, du lịch của cả nước, hiện nay thành phố đang khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Đồng thời, TP.HCM cũng thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố; trong đó phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ là nền tảng, động lực tạo điều kiện cho sự phát triển của nền sản xuất công nghiệp thành phố trong thời gian tới.
Trong những năm qua, hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy liên kết hoạt động sản xuất công nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt với các đối tác nước ngoài tại Việt Nam, hợp tác cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, TP.HCM thường xuyên tổ chức các triển lãm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Bà Nguyễn Vân Nga, Cục Trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Công Thương cho biết, TP.HCM đã tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại chuyên ngành xuyên suốt 20 năm qua, khẳng định tầm quan trọng đối với các doanh nghiệp. Năm nay, Hội chợ thương mại quốc tế TP. HCM 2022 có sự tham gia của 520 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tạo cơ hội tăng cường hợp tác, trao đổi, tiếp cận các sản phẩm và công nghệ mới. Đồng thời, giúp các thương hiệu trong nước phát triển toàn diện về chất lượng, góp phần vào sự phát triển kinh tế nước.
Về hướng kết nối để doanh nghiệp phát triển, ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM có 11.219 dự án FDI còn hiệu lực, chiếm khoảng 1/3 tổng dự án FDI cả nước, với tổng vốn đầu tư là 79,25 tỷ USD.
Trong thời gian tới, TP.HCM chủ trương thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc, bền vững. Trong đó, ưu tiên đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác đầu tư có sử dụng công nghệ cao, có tài chính mạnh, công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường. Đặc biệt là các tập đoàn có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo có khả năng tham gia hỗ trợ các nhà sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng trong nước.
Những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư, tập trung vào các ngành như thương mại điện tử, logistics, hàng tiêu dùng, năng lượng sạch, công nghiệp điện tử, công nghiệp Internet Vạn vật (IoT) và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao…
“Thông qua các cuộc triễn lãm, hội chợ, những nhà sản xuất nước ngoài muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư”, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM cho biết.