Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp công nghiệp chủ lực
Tại Chương trình Cafe doanh nhân số 3/2022: “Thành phố Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực” mới đây, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp nói chung, sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng, ngày 26/11/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 267/KH-UBND về thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2022 với mục tiêu: Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực đề ra trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội và Kế hoạch của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Lê Tự Lực mong muốn nhận được nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Hiện, công nghiệp Hà Nội đã phát triển trên 30 phân ngành với hàng nghìn loại sản phẩm. Đáng chú ý, các doanh nghiệp có sản phẩm được thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực đều thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng như vật liệu mới, chế tạo khuôn mẫu, điện, điện tử... Trong số các đơn vị có sản phẩm công nghiệp chủ lực, Hà Nội có 12 doanh nghiệp nằm trong top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, 15 doanh nghiệp lớn có doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm như: Tập đoàn Sơn Hà; Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông... Bên cạnh các doanh nghiệp đạt doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng/năm như: Tập đoàn AMACCAO, Tập đoàn SUNHOUSE, Tổng công ty May 10, Công ty cổ phần Vicostone...
Bà An Thanh Thảo, đại diện Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) khẳng định, thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã luôn quan tâm, đồng hành và hỗ trợ nhiều hoạt động của Hội HAMI, thông qua hàng loạt các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ phát triển khoa học - công nghệ, ký kết hợp tác với Quỹ đầu tư của thành phố, ký kết hợp tác với các tổ chức thương mại quốc tế.
Bà An Thanh Thảo kỳ vọng rằng Chương trình Cafe doanh nhân không chỉ tạo ra cơ hội giao lưu để trao đổi, học hỏi giữa các doanh nghiệp, doanh nhân, mà nơi đây thực sự là diễn đàn để doanh nghiệp tương tác với chính quyền, từ đó tạo ra môi trường để các doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, góp phần vào sự phát triển của thủ đô và đất nước.
Ở vai trò Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Minh Tuấn coi hội nghị dịp đối thoại, cách kết nối để doanh nghiệp được tiếp cận gần hơn với chính quyền, với các sở ban ngành của thành phố.
Lý giải nguyên nhân nhu cầu vốn của doanh nghiệp lớn, ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ: các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đầu tư, họ chỉ mang vào vốn đầu tư ban đầu, còn vốn lưu động phải vay ở Việt Nam, vì vay ở nước sở tại với lãi suất 5-6% bằng đồng đô la Mỹ, trong khi đô la Mỹ cứ lên giá như thế này, thì rõ ràng tiền đồng Việt Nam đang hấp dẫn hơn, an toàn hơn. Đồng nghĩa, các ngân hàng tại Việt Nam phải cung ứng thêm cho nền kinh tế một lượng tín dụng,
Thêm nữa, những năm gần đây, chi phí đầu tư xây dựng đã tăng 30 - 40% khiến tín dụng cấp cho dự án tăng lên. Trong khi nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19 khiến sức khoẻ doanh nghiệp giảm đáng kể, tiền tích luỹ cũng dần cạn kiệt. Theo khảo sát doanh nghiệp và làm việc với các NHTM, các khoản vay vốn lưu động dành để trả tiền điện, nước, lương công nhân, vay để duy trì hoạt động… quá lớn. Tất cả khiến nhu cầu vốn đội lên một cách bất thường.
Các ngân hàng vẫn đang dõi theo, cập nhật thông tin, tiếp cận doanh nghiệp để cung cấp nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Song ngân hàng cũng mong doanh nghiệp hãy đồng hành cùng ngân hàng không chỉ trong cung cấp thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh, mà cần phải minh bạch về tài chính, minh bạch về quản trị kinh doanh. Bởi ngân hàng - doanh nghiệp thực sự là mối quan hệ cộng sinh lẫn nhau.
Hiện nay, ngành Ngân hàng quyết liệt triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước. NHNN đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện và có nhu cầu, sẽ được vay từ gói phục hồi sản xuất kinh doanh 40 nghìn tỷ đồng năm 2022 và năm 2023 với mức hỗ trợ lãi suất 2%, ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin thêm.