Hà Tĩnh: Đến năm 2025, phấn đấu có 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên
Kết nối sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch cấp vùng Ninh Bình: Quảng bá sản phẩm OCOP, thúc đẩy hoạt động du lịch cấp vùng |
Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn Hà Tĩnh có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. |
Sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh trước đây chỉ được tiêu thụ ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay nhiều sản phẩm có mặt ở các tỉnh, thành trong cả nước thông qua hệ thống siêu thị và các sàn thương mại điện tử như, voso, postmart, sendo, shopee…
Sau khi chinh phục thành công thị trường trong nước bằng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đến nay nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đã tiếp cận được với các thị trường quốc tế. Trong đó, có thể kể đến một số sản phẩm OCOP 3, 4 sao đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu như, sản phẩm bánh ram Anh Thu (Thạch Hà) xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; Cu đơ Bà Hường (Hương Sơn) xuất khẩu sang thị trường New Zealand; Bánh đa vừng Nguyên Lâm (Kỳ Anh) xuất khẩu sang thị trường Nga và Nhật Bản…
Hiện, các cơ sở OCOP trên địa bàn đã tạo việc làm cho khoảng 2 nghìn lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp ở địa phương. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều mô hình khởi nghiệp ở Hà Tĩnh tham gia chương trình sản phẩm OCOP. Một số lao động trẻ đã quay trở về quê hương và khởi nghiệp từ chương trình OCOP. Đây là tín hiệu vui để thấy OCOP đã thật sự lan tỏa và định danh được ý nghĩa của chương trình.
Để Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tiếp tục khai thác có hiệu quả; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính đồng bộ UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2023-2025.
Mục đích của kế hoạch, nhằm khai thác có hiệu quả tài nguyên bản địa; đồng thời khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Tích cực phát huy giá trị truyền thống, văn hoá của mỗi vùng miền. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng các chủ thể nhằm tạo ra đội ngũ doanh nhân OCOP làm trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, để liên kết và dẫn dắt nông dân sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng với yêu cầu của thị trường...
Kế hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2025, trên địa bàn Hà Tĩnh có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
Đồng thời, có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo...; phấn đấu mỗi huyện, thành phố, thị xã có tối thiểu 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP…
Để thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu của chương trình OCOP và thực tế tại địa phương. Mỗi đơn vị xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp để triển khai thực hiện. Chủ động và phối hợp, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó ưu tiên đưa nội dung chương trình OCOP vào chương trình công tác trọng tâm hàng năm của địa phương, đơn vị để thực hiện có hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.