Hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt về nông thôn
Ngân hàng - cầu nối “người Việt dùng hàng Việt” | |
Nỗ lực đưa hàng Việt vào Thái Lan | |
Hàng Việt nhiều triển vọng xuất sang EU |
Cơ hội “phủ sóng” hàng Việt
Việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương trong khu vực miền Trung cho tới nay đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Theo đó, hàng loạt phiên chợ hàng Việt đã được tổ chức ở khu vục nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Điều này, góp phần “phủ sóng” hàng Việt ở khắp các địa bàn, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tiếp cận với thị trường nông thôn, miền núi, hải đảo...
Tại miền Trung, Quảng Ngãi đang là một trong những địa phương tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt ở khu vực nông thôn, biên giới, hải đảo. Trong đó, có thể kể đến phiên chợ hàng Việt tại huyện miền núi Minh Long. Phiên chợ này có 30 gian hàng của các đơn vị kinh doanh trong và ngoài tỉnh tham gia.
Tiếp theo đó, Sở Công Thương Quảng Ngãi cũng đã phối hợp với UBND huyện Trà Bồng tổ chức phiên chợ hàng Việt về huyện Trà Bồng. Phiên chợ có 35 gian hàng của 24 doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ngãi tham gia. Các mặt hàng được giới thiệu, trưng bày tại phiên chợ khá phong phú, đa dạng, phản ánh sinh động thành tựu phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia giới thiệu.
Cần thêm sự hỗ trợ để doanh nghiệp đưa hàng Việt về vùng nông thôn. |
Đặc biệt, nằm trong chuỗi các phiên chợ được Quảng Ngãi tổ chức lần này là phiên chợ hàng Việt tổ chức ở huyện đảo Lý Sơn. Phiên chợ đã huy động sự tham gia của 27 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà phân phối hàng tiêu dùng trong tỉnh. Các sản phẩm đặc trưng được mang đến người tiêu dùng lần này bao gồm: chè xanh, giống cây trồng, mật ong Minh Long; mây tre đan, thổ cẩm, rượu cần, rau rừng mật ong, rượu cần H’Re, thổ cẩm làng Teng, sản phẩm OCOP của huyện Ba Tơ. Bên cạnh đó là các sản phẩm của doanh nghiệp ở ngay trên huyện đảo Lý Sơn.
Tại địa phương lân cận là Quảng Nam, trong khoảng thời gian vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội cả nước cũng như địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, thích ứng linh hoạt trong chỉ đạo triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Quảng Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, địa phương đã nỗ lực tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt ở khu vực nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn. Đơn cử như “Phiên chợ 0 đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam tổ chức đã góp phần đưa hàng Việt đến 6 xã vùng biên giới của các huyện Tây Giang và Nam Giang...
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ
Những phiên chợ hàng Việt được tổ chức tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa... là cơ hội để người tiêu dùng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp cận những mặt hàng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các phiên chợ cũng là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, từng bước thay đổi nhận thức, hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa sản xuất ở trong nước.
Những năm gần đây, cùng với việc tham gia phiên chợ hàng Việt, nhiều doanh nghiệp nỗ lực đưa sản phẩm về các vùng nông thôn phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tây Giang (Quảng Nam), thông qua các phiên chợ đưa hàng Việt về địa phương trong thời gian qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã dần hình thành thói quen, quan tâm lựa chọn, mua sắm hàng Việt.
Những phiên chợ hàng Việt được tổ chức không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập và phát triển hệ thống kênh phân phối mà còn cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới...
Về phía các doanh nghiệp, bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết doanh nghiệp này tham gia các chương trình không vì doanh số bán hàng, lợi nhuận mà muốn khẳng định vai trò của Co.opMart Tam Kỳ trong bình ổn thị trường, an sinh xã hội, qua đó nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp cũng như đóng góp cho cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đơn vị đã triển khai trung bình hơn 10 chuyến bán hàng lưu động mỗi năm để phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Những mặt hàng mang đi phục vụ bà con là hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu của các doanh nghiệp trong nước sản xuất với mức giảm giá bán hấp dẫn từ 5 - 30% cùng nhiều quà tặng kèm theo...
Tuy có nhiều ý nghĩa như trên, song trên thực tế hiện nay, việc đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Dù hiện đang có nhiều phiên chợ hàng Việt được tổ chức ở các huyện miền núi, hải đảo, góp phần giúp các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Tuy nhiên, quy mô tổ chức các phiên chợ hàng Việt chỉ khoảng 30 gian hàng/phiên chợ.
Nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí hỗ trợ cho phiên chợ còn thấp, cho công tác tổ chức của doanh nghiệp cũng còn thấp. Trong khi đó, chi phí để tổ chức phiên chợ lại tốn rất nhiều. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tham gia chương trình. Không ít doanh nghiệp, nhà phân phối đưa ra lý do không bố trí được nguồn nhân lực tham gia phiên chợ.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa còn do doanh số bán hàng thấp, lợi nhuận ít nên doanh nghiệp từ chối tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn hay vùng sâu vùng xa.
Xét trên thực tế, cốt lõi của hoạt động doanh nghiệp là thu lãi, nhưng đôi khi họ phải đưa hàng Việt về nông thôn vì trách nhiệm xã hội, mà việc này thì khó tự nguyện, lâu dài!
Bởi vậy, để thu hút các doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, nên chăng nhà nước có sự hỗ trợ thông qua những cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ tại thị trường này. Để doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhà phân phối đẩy mạnh thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tích cực tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.