Gói phục hồi kinh tế lần 2: Phải nhanh và đúng trọng điểm
Ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm thêm lãi suất |
Diện - Điểm - Tốc độ - Quy mô
Hiện đại dịch Covid-19 đã quay lại ở nhiều địa phương chắc chắn sẽ chất thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và qua đó là đà tăng trưởng kinh tế. Không ít DN, nhất là DN sản xuất hàng xuất khẩu cho biết chỉ có thể cầm cự được một hai tháng nữa do không có đơn hàng mới, chuỗi cung cũng đứt đoạn. Số người lao động mất việc làm, giảm việc làm đã tăng cao và sẽ còn tăng cao nữa.
Theo thông tin mới đây, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã dự báo có khoảng 70% DN bị ảnh hưởng vì Covid-19 và sẽ có khoảng tới 3,5 đến 5 triệu người giảm việc làm vì Covid-19. Các dự báo mới đây cho rằng tăng trưởng GDP năm nay chỉ ở khoảng 2%; thậm chí đã có dự báo tăng trưởng âm. Với Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 5% mới đủ bảo đảm việc làm. Dưới mức này, có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp, mất việc tăng lên sẽ kéo theo nhiều áp lực.
Gói hỗ trợ lần 2 cần được ban hành sớm |
Bởi vậy việc nhanh chóng có gói hỗ trợ thứ hai là hoàn toàn cần thiết để hỗ trợ người dân, DN trong lúc này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ nghiên cứu tính toán về gói hỗ trợ kinh tế mới với các biện pháp mạnh mẽ hơn để tiếp tục kích thích phát triển sản xuất. Theo các chuyên gia Việt Nam có khả năng tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ lần 2 với tổng quy mô cả 2 gói vào khoảng 5% GDP (quy mô gói hỗ trợ lần 1 ước bằng 3,5% GDP). Đưa ra đề xuất quy mô cho các gói hỗ trợ, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nguồn từ tiết kiệm chi NSNN và quỹ dự trữ ngoại hối…
Giới chuyên gia cũng cho rằng gói hỗ trợ lần này cần hướng đến hỗ trợ người lao động, hỗ trợ DN để DN giữ lao động. “Nếu lao động mất việc làm sẽ kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng về cả kinh tế, xã hội và an ninh trật tự”, TS. Võ Trí Thành và TS. Nguyễn Đình Cung - hai thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cùng nêu ý kiến.
Các vị chuyên gia trên cũng cho rằng, gói hỗ trợ mới ngoài quy mô lớn hơn, có diện hỗ trợ bao trùm tổng thể nhưng đồng thời cũng phải có cả những trọng tâm, lĩnh vực riêng, chẳng hạn như hỗ trợ trực tiếp người lao động, chính sách cho các DN lớn không phân biệt thành phần kinh tế. Đồng thời cần phải ban hành nhanh, thực hiện quyết liệt. “Gói hỗ trợ cần được sớm ban hành, nếu không sẽ không còn ý nghĩa”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh và nói thêm rằng: Gói này có tứ cần, đó là Diện - Điểm - Tốc độ và Quy mô.
Cần một chương trình phục hồi kinh tế toàn diện
Các chuyên gia kinh tế cùng cho rằng gói hỗ trợ mới chỉ là một phần, nền kinh tế đang cần một chương trình phục hồi đầy đủ và dài hạn. Gói hỗ trợ này không chỉ tính cho hiện tại mà phải tính tới tương lai. Tức là phải tính dài hơi, đủ mạnh và phải nhìn thấy những yếu tố mới và các xu hướng mới như CMCN 4.0, số hóa, thương mại điện tử…
“Hoạch định chính sách ngay từ bây giờ nhưng cần tính toán cho năm 2021 và xa hơn là giai đoạn 2021-2025 - giai đoạn phục hồi sau đại dịch”, TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu. Còn TS. Võ Trí Thành cho rằng “nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì nền kinh tế khó phục hồi”.
Với quan điểm phải tính cho tương lai, theo các chuyên gia này cùng quan điểm trong gói kích thích kinh tế sẽ chú trọng các yếu tố liên quan đến sáng tạo, đổi mới, kỹ năng… gắn với những lĩnh vực mới, xu hướng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng mới và có thể thêm gói hỗ trợ lao động mới. TS. Nguyễn Đình Cung bổ sung: “Cần phải hướng đến những ngành nghề có cơ hội “chiến thắng Covid-19”, và những yếu tố mới đem lại nguồn thu cho xã hội nói chung, cho ngân sách nói riêng.
Là người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thể hiện quan điểm: gói hỗ trợ sẽ không chỉ hướng đến mục tiêu trước mắt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho những người dân và DN bị ảnh hưởng, mà còn hướng đến các mục tiêu dài hạn hơn, tái cơ cấu để đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển hậu Covid-19. Gói hỗ trợ phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Và không chỉ là kích thích tăng trưởng kinh tế, gói hỗ trợ này phải đảm bảo đa mục tiêu, phải gắn với quản lý, tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Kỳ vọng đang đặt vào chương trình phục hồi kinh tế - gói hỗ trợ thứ 2 với một thiết kế sáng tạo và khả thi đi vào cuộc sống. Các chuyên gia kinh tế đều cùng quan điểm, phải chấp nhận nới bội chi và tăng nợ công. Và một chỉ tiêu nữa cũng cần phải điều chỉnh, đó là nợ xấu. “Sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trầm trọng, chắc chắn nợ xấu tăng lên. Nợ xấu tăng là một thực tế phải chấp nhận”, TS. Nguyễn Đình Cung nói. Bên cạnh đó cần một kế hoạch huy động nguồn lực như thế nào để bù đắp bội chi ngân sách, không gây ra bất ổn vĩ mô cần phải được tính toán sớm, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.