Hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu
Ảnh minh họa |
Xác định được điều này nên với sự chỉ đạo, hỗ trợ của UBND tỉnh Lạng Sơn các TCTD trên địa bàn tỉnh đã đang rất tích cực triển khai “Quyết định phê duyệt đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”. Đồng thời phấn đấu kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Văn Bình cho biết, để làm tốt việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, UBND tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, giải quyết hàng tồn kho, thúc đẩy tiêu dùng, phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn.
Chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động của các ngân hàng và các DN trên địa bàn.
Theo số liệu của UBND tỉnh Lạng Sơn, giải ngân vốn ngân sách, vốn ODA toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm được 388.934 triệu đồng/1.111.240 triệu đồng kế hoạch giao, bằng 35% kế hoạch.
Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân được 73.317 triệu đồng/366.585 triệu đồng kế hoạch giao. Lạng Sơn sẽ tăng cường quản lý vốn đầu tư, ưu tiên tập trung vốn thanh toán dứt điểm khối lượng nợ đọng, các dự án trọng điểm và các dự án có thể hoàn thành trong năm 2015.
Xây dựng phương án và lộ trình xử lý nợ đọng trong XDCB; ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách để đảm bảo hàng năm xử lý ít nhất được 30% nợ đọng.
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, tăng cường công tác khai thuế điện tử qua mạng, qua hệ thống ngân hàng, tự động hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế, hải quan… chỉ đạo các ngành triển khai thực hiện các chính sách do tỉnh ban hành để phát triển khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Theo NHNN chi nhánh Lạng Sơn, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng trên địa bàn đến 30/6/2015 đạt 13.015 tỷ đồng, tăng 2.117 tỷ đồng (tăng 19,42%) so với cùng kỳ năm 2014.
Nợ xấu (số liệu chính thức đến 31/5/2015) là 379 tỷ đồng, chiếm 2,99% tổng dư nợ, giảm 30 tỷ đồng (giảm 7,3%) so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2015, các ngân hàng trên địa bàn đã xử lý nợ xấu với tổng số tiền là 27.065 triệu đồng; trong đó xử lý tài sản bảo đảm của khách hàng: 5.000 triệu đồng, chiếm 18,47%. Sử dụng dự phòng rủi ro là 200 triệu đồng, chiếm 0,74%. Khách hàng trả nợ bằng tiền: 21.865 triệu đồng, chiếm 80,79%...
Giám đốc NHNN chi nhánh Lạng Sơn Nguyễn Học Cường cho biết, thời gian qua, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp huy động vốn, tập trung vốn cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, quan tâm hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên (cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao).
Cùng với sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, các TCTD trên địa bàn đã triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng, nhất là các DN. Những giải pháp này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Đồng thời ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giảm lãi suất cho vay; chủ động đánh giá lại chất lượng tín dụng và khả năng thu hồi của các khoản nợ, để có biện pháp xử lý phù hợp.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, các ngân hàng trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 17 khách hàng với tổng dư nợ được cơ cấu lại là 281,4 tỷ đồng; giảm lãi vay cho 60 khách hàng với tổng dư nợ là 308,8 tỷ đồng trong đó có 15 khách hàng DN với dư nợ được giảm lãi là 170 tỷ đồng.
Trên thực tế, việc xử lý nợ xấu còn gặp rất nhiều khó khăn do tác động từ nhiều phía, nhất là đối với các DN đã ngừng hoạt động, hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, thủ tục pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm phức tạp, các khách hàng không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
Một số khách hàng là đối tượng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chây ì, ý thức trả nợ chưa cao, bỏ đi khỏi địa phương... nhưng không đủ điều kiện để xử lý rủi ro theo quy định. Cùng với đó, là việc phát sinh thêm một số khoản nợ xấu mới, đòi hỏi các ngân hàng tăng cường hơn nữa việc giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp.
Giám đốc Nguyễn Học Cường nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tăng cường các biện pháp huy động và cho vay hiệu quả, thực hiện cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, thực hiện các giải pháp xử lý phù hợp với từng khoản nợ xấu phát sinh, chủ động phối hợp với khách hàng để đôn đốc, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm...
Xem xét điều chỉnh giảm lãi suất phạt đối với DN khó khăn. Các TCTD sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhằm chia sẻ, hỗ trợ DN giảm bớt khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh. Chủ động gặp gỡ, phối hợp với DN để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ vay vốn, sử dụng vốn của ngân hàng.