Hoàn thiện khung pháp lý kinh doanh đồ uống có cồn trên thương mại điện tử
Trong đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia trực tuyến và nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cần phối hợp thực hiện đầy đủ các biện pháp, theo Bộ Công Thương.
Lễ công bố chương trình Đào tạo trực tuyến và Tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh đồ uống có cồn theo hình thức thương mại điện tử. |
"Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với doanh nghiệp và thương nhân kinh doanh ngành đồ uống có cồn, bởi các quy định trên giúp mở rộng kênh kinh doanh, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu tuân thủ pháp luật", ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phát biểu tại Lễ công bố chương trình đào tạo trực tuyến và Tập huấn tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh rượu trên thương mại điện tử.
Theo ông Việt, mục tiêu của hoạt động ngày 24/11 là hỗ trợ các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý kinh doanh rượu, bao gồm cả hình thức thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ thương nhân kinh doanh rượu tuân thủ các quy định pháp luật.
Những năm gần đây, mua sắm qua các trang thương mại điện tử trở thành một xu hướng tiêu dùng, đem lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và người bán hàng. Trước xu thế ấy, VBA cam kết vừa tích cực tham gia xây dựng chính sách, vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hướng tới cải thiện cơ chế nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Trước xu thế đó, Luật Phòng chống tác hại rượu bia được Quốc hội thông qua năm 2019 và Nghị định 24/2020/ND-CP hướng dẫn thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã chính thức cho phép kinh doanh rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, kèm theo các quy định nhằm đảm bảo kinh doanh rượu hợp pháp, an toàn trên nền tảng thương mại điện tử.
Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp ngành đồ uống có cồn và thương nhân kinh doanh nhóm mặt hàng này, bởi các quy định pháp lý trên mở ra cơ hội mở rộng kênh kinh doanh, đồng thời đòi hỏi doanh nghiệp chủ động tìm hiểu tuân thủ pháp luật.
Tại Việt Nam, kinh doanh rượu là ngành kinh doanh có điều kiện. Từ năm 2012 trở về trước, kinh doanh rượu qua Internet bị cấm. Đến ngày 14/9/2017, Chính phủ nới lỏng bằng quy định bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua Internet mới bị xem là vi phạm.
Từ 1/1/2020, thời điểm Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 có hiệu lực, hoạt động bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử được quản lý theo điều kiện. Đồng thời, quy định cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên bị bãi bỏ.
“Kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử có thể là một hình thức mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, thương nhân tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có cồn. Chương trình đào tạo trực tuyến cung cấp đầy đủ những thông tin và hướng dẫn cần thiết cho các doanh nghiệp mong muốn triển khai hoạt động kinh doanh này tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Việt cho biết.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu tính đến tháng 8/2022, trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn), Bộ Công Thương đã tiếp nhận 130 hồ sơ thông báo, đăng ký website, ứng dụng thương mại điện tử có bán rượu và đã duyệt 40 hồ sơ đáp ứng điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử.
Theo ông Sơn, quy định về bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử được ghi nhận tại Điều 16 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử. Đồng thời, tuân thủ theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, việc quản lý người mua rượu trên Sàn giao dịch thương mại điện tử đang gặp khó khăn trong việc xác định người đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua bia, rượu. Việc xác định đối tượng nhận hàng đủ 18 tuổi hay không cũng gặp khó khăn.
Đặc biệt, hiện nay, các sản phẩm rượu được làm giả, nhái rất tinh vi, xuất hiện nhiều và được phân phối qua các sàn thương mại điện tử. Do đó, việc quản lý đầu vào chất lượng sản phẩm này gặp rất nhiều khó khăn đối với cơ quan quản lý nhà nước.
Trong dây chuyền sản xuất bia |
Sau Covid-19, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng, theo ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng ban Hợp tác Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM). Nhóm đối tượng này thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến, thậm chí một bộ phận ưu tiên hơn so với mua sắm truyền thống.
Ở góc độ người cung cấp, các thương nhân đã triển khai nhiều hoạt động liên quan tới chuyển đổi số để thích ứng với đại dịch, cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” sau đợt dịch.
Với mặt hàng bia, rượu, đại diện VECOM khuyến cáo doanh nghiệp tránh các rủi ro pháp lý do vi phạm khi kinh doanh trực tuyến. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến nhãn, bao bì, tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan; Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa.
Bà Olivia Widen - đại diện Liên minh các Doanh nghiệp rượu Quốc tế tại Châu Á - Thái Bình Dương (APISWA) chia sẻ, APISWA đặc biệt đề cao trách nhiệm tuân thủ cũng như trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng và đồng hành với các cơ quan hữu quan quản lý kinh doanh rượu trên nền tảng thương mại điện tử. Chương trình đào tạo trực tuyến tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh rượu theo hình thức thương mại điện tử góp phần thúc đẩy doanh nghiệp, thương nhân tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan, qua đó tận dụng tối đa lợi ích mà nền kinh tế số mang lại, vì sự phát triển của tất cả các bên.
Do đó, theo đại diện Bộ Công Thương, các quy định về quản lý kinh doanh rượu và thương mại điện tử cơ bản đã có, tuy nhiên, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật khác có liên quan để quy định đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh rượu qua thương mại điện tử.