Học trực tuyến để “né” Covid-19
Ứng dụng công nghệ thông tin
Trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp, để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh, sinh viên, nhiều trường học trên toàn quốc đang đồng loạt cho học sinh nghỉ học, chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng cũng đã có văn bản thông báo về việc cho học sinh, học viên, sinh viên tiếp tục nghỉ học phòng dịch bệnh. Đồng thời, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố tăng cường hướng dẫn giáo viên, phụ huynh và học sinh cài đặt các phần mềm hỗ trợ tự học do VNPT, Viettel hay FPT cung cấp miễn phí. Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng cũng đã có hướng dẫn tại công văn số 259/SGDĐT-CTrTT ngày 6/2/2020 về việc cài đặt, sử dụng các phần mềm hỗ trợ tự học kể trên và sử dụng các hình thức khác (thư điện tử, Zalo, SMS...) trong điều kiện cho phép để hướng dẫn học sinh, học viên tự ôn tập, làm bài tập trong thời gian nghỉ học. Phương án học trực tuyến để “né” dịch bệnh đã được nhiều phụ huynh ở Đà Nẵng hưởng ứng, hỗ trợ cho con em mình thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Liên, trú quận Sơn Trà cho rằng, việc tăng cường dạy học trực tuyến đã góp phần ứng phó nhanh và hiệu quả trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đây cũng là cơ hội để các em được trải nghiệm với hình thức học tập mới, rèn luyện được tính tự chủ, tự giác và ý thức trong học tập.
Dạy và học trực tuyến góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19 |
Không chỉ các trường phổ thông, một số trường đại học trên địa bàn TP. Đà Nẵng cũng đã đẩy mạnh triển khai hình thức học trực tuyến. Trong đó, Đại học Đông Á là một trong những trường đã áp dụng, được giáo viên và sinh viên hưởng ứng, thực hiện, bước đầu mang lại những hiệu quả. Tại Đại học Đông Á, từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, sinh viên nhà trường dù không đến trường nhưng vẫn có thời khóa biểu “lên lớp”. Theo đó, để đảm bảo tiến độ học tập của sinh viên trong điều kiện không thể tổ chức dạy và học tập trung, nhà trường đã triển khai phương pháp học online qua hệ thống E-learning, livestream…
Theo TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng nhà trường, các phần mềm ứng dụng điện tử này thực sự là một kênh học tập trực tuyến hiệu quả, thiết thực nhất trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay. Trên thực tế, các phần mềm ứng dụng hỗ trợ học tập hiện nay đã duy trì công tác dạy, học phù hợp với điều kiện hạn chế tổ chức các hoạt động tập trung đông người, góp phần phòng chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
Học mọi lúc, mọi nơi
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Anh Đào, học trực tuyến giúp phát huy tinh thần tự học của người học và khuyến khích các phương pháp sư phạm đa dạng. Sinh viên có thể truy cập bài giảng nhanh chóng từ bất kỳ nơi đâu, liên tục 24/7. Các tài liệu, hướng dẫn học tập và hình thức đánh giá, kiểm tra kiến thức trong quá trình tự học của sinh viên dưới sự hướng dẫn của giảng viên phụ trách học phần trong thời gian này cũng đã được trường Đại học Đông Á xây dựng chi tiết.
Trong khi đó, ThS. Trần Minh Hổ - ngành công nghệ kỹ thuật Ô tô (Đại học Đông Á) cho biết, dù trong thời điểm phòng tránh dịch nhưng sinh viên của nhà trường vẫn đều đặn lên lớp online. Các nội dung học tập vẫn diễn ra bình thường theo tiến trình bài giảng với tương tác trực tuyến. Chỉ là thay đổi phương thức giảng dạy từ trực tiếp sang gián tiếp, giảng viên và sinh viên vẫn linh động kết nối trực tuyến để chuyển tải tư liệu, bài giảng, hướng dẫn bài tập học phần như thường ngày lên lớp.
Việc dạy và học từ xa hoàn toàn đảm bảo cho giảng viên và sinh viên theo dõi quá trình và kết quả học tập. Các bài giảng đều có thể lưu lại và không nhất thiết phải bật máy tính vào đúng thời gian dạy học trực tuyến của giáo viên. Ngoài ra, qua những bài kiểm tra giảng viên cũng dễ dàng đánh giá mức độ tiến triển trong quá trình học của các sinh viên trong học phần.
Một sinh viên khoa Du lịch, Đại học Đông Á đã chia sẻ, các bài giảng livestream của thầy cô vẫn rất thu hút như khi được học tại lớp. Sinh viên vẫn được tương tác trực tiếp với giảng viên, được hỗ trợ thường xuyên về nội dung bài học, bài tập và các phần thực hành. Với phương thức học này, sinh viên còn có thể chủ động xem lại nhiều lần bài giảng để nắm bài kỹ hơn. Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, việc học online là phương án tối ưu để sinh viên chủ động hệ thống bài học liên tục, không ngắt quãng kiến thức vừa đảm bảo các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho bản thân và gia đình.
Có thể nói, đối phó với dịch bệnh cũng là cơ hội để các trường học trong nước chuyển sang hoạt động trực tuyến và xây dựng thói quen tự học qua internet cho học sinh. Tuy nhiên, để dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả hơn nữa cho học sinh và sinh viên, các chuyên gia giáo dục đã khuyến cáo các nhà trường cần dựa vào điều kiện dạy học thực tế để chủ động sắp xếp, đề ra các giải pháp dạy học phù hợp. Về lâu dài, đây là thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, ban hành thêm quy định làm cơ sở pháp lý và hướng dẫn về chuyên môn đối với hình thức học tập trực tuyến, tránh tình trạng các trường triển khai mỗi nơi một kiểu, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của học sinh.