“Hơi thở” của Chỉ thị số 40 nhìn từ thành phố đáng sống (Bài 2)
Bài 2: Đồng lòng thực hiện chủ trương lớn
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách triển thực hiện tại Đà Nẵng hơn 5.114 tỷ đồng, tăng 3.897 tỷ đồng so năm 2014, với 85.772 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Chất lượng tín dụng CSXH luôn được bảo đảm và ngày càng được nâng cao...
“Trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo
Theo ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH TP. Đà Nẵng, những năm qua, Thành ủy Đà Nẵng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa triển khai tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40. Thực tế cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 mang lại nhiều kết quả thiết thực đối với hoạt động tín dụng CSXH.
Tại Đà Nẵng, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 mang lại nhiều kết quả thiết thực đối với hoạt động tín dụng CSXH |
Ông Chung khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân và ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
“Việc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 40 góp phần quan trọng vào việc đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Những kết quả đạt được trong thời gian qua khẳng định được tầm quan trọng của tín dụng CSXH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng” - Giám đốc chia sẻ.
Có thể nói, đây là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Thành tựu đã đạt được của tín dụng CSXH có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng khác. Tín dụng CSXH được thực hiện thông qua NHCSXH phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.
Chị thị 40 thực sự là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế. |
Đặc biệt, các chương trình tín dụng thực sự có ý nghĩa thiết thực đối với vùng nông thôn, là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đến với các đối tượng dễ bị tổn thương; là đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và đối tượng CSXH khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Tại Đà Nẵng, giai đoạn 2014-2024, NHCSXH hoạt động tín dụng CSXH giúp 255.562 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi. Chính nguồn vốn này góp phần quan trọng vào việc hoàn thành Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trước 2 năm, với 20.293 hộ thoát nghèo (có 6.514 hộ nghèo theo chuẩn Trung ương); tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 146.885 lao động; 11.165 học sinh, sinh viên được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng, nâng cấp, cải tạo 54.781 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường mới; giúp người dân huyện Hòa Vang có nguồn vốn để xây dựng hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước và hệ thống vệ sinh trong nhà đảm bảo an toàn về sức khỏe và phòng chống ô nhiễm môi trường nông thôn, góp phần vào việc thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn…
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Để đạt được kết quả thiết thực và đáng ghi nhận, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, hơn 10 năm qua, Ban thường vụ Thành ủy bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư về công tác tín dụng CSXH tại Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, UBMTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng CSXH; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong triển khai tín dụng CSXH trên địa bàn.
Vốn vay từ các chương trình tín dụng CSXH đã tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân |
Theo ông Minh, UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác chủ động thực hiện vai trò tập trung lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng SCXH đến các tầng lớp nhân dân. Nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách với hình thức đa dạng, phù hợp.
Trong đó, tập trung tuyên truyền Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW, các chính sách tín dụng ưu đãi và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của thành phố đối với tín dụng CSXH nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tính nhân văn sâu sắc của tín dụng CSXH trong việc đảm tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Ông Minh cho biết thêm, Thành ủy Đà Nẵng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng CSXH. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban cán sự đảng UBND thành phố đã chỉ đạo căn cứ khả năng cân đối ngân sách hàng năm, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng CSXH. Nhất là chương trình tín dụng cho người nghèo, người gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 và chương trình tín dụng liên quan chương trình “Có việc làm” giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, các ngành thường xuyên rà soát, khảo sát, xác định đối tượng, nhu cầu vay vốn, làm cơ sở cho các cơ quan liên quan tham mưu kế hoạch nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH để thực hiện các chương trình tín dụng CSXH của thành phố.
Đặc biệt, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với các ngành, các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, triển khai lồng ghép giữa chương trình vốn vay NHCSXH với chương trình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chương trình tín dụng phù hợp với đặc thù riêng từng địa phương và đa dạng hơn so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 40.
Cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời bổ sung, củng cố, kiện toàn Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp giúp hoạt động thông suốt và thể hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã đối với hoạt động tín dụng CSXH.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quan tâm phối hợp trong việc thực hiện các hoạt động tín dụng CSXH, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp chặt chẽ, đồng bộ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Chỉ thị 40 tại cơ sở |
Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quan tâm phối hợp trong việc thực hiện các hoạt động tín dụng CSXH, chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác. Thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các TK&VV; tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn theo quy định; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng CSXH… Lồng ghép với các chương trình, dự án của các hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Chất lượng các nội dung được ủy thác ngày càng được nâng cao. NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức giao ban theo định kỳ hàng quý đối với cấp thành phố, cấp quận, huyện và hàng tháng đối với phường, xã. NHCSXH phối hợp với UBND, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ giảm nghèo, hội đoàn thể các cấp và ban quản lý tổ TK&VV. Thường xuyên báo cáo với cấp ủy, chính quyền về công tác tín dụng CSXH trên địa bàn.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với thực hiện chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng CSXH, các cấp, các ngành đã tập trung nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. Đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để cho vay đối với các chương trình tín dụng CSXH…