Huyền thoại con đường tiền tệ
Những đơn vị chìm nhận - chuyển “hàng đặc biệt”
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Phi (tức Mười Phi hoặc Thăng Long) trong hồi ký “Đồng đô la trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”, những năm đầu sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nguồn viện trợ quốc tế bằng ngoại tệ khá hạn chế. Ngân sách Trung ương phải trích ra để mua tiền Sài Gòn (tiền Z) tại thị trường nước ngoài, sau đó chuyển vào Nam theo đường bộ.
Tuy nhiên, từ năm 1960 Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc. Từ đó, việc đưa viện trợ tiền bạc và vật chất vào Nam gặp nhiều khó khăn.
Trong suốt gần 20 năm kháng chiến, hàng trăm triệu đô la chi viện miền Nam đã được vận chuyển qua con đường Trường Sơn (ảnh tư liệu của Đoàn 559 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn) |
Năm 1965, để giải quyết nhu cầu tài chính cấp bách cho các chiến trường phía Nam, ông Phạm Hùng (lúc đó là Phó Thủ tướng phụ trách vấn đề chi viện miền Nam) đã đề xuất với Bộ Chính trị một quyết định có ý nghĩa lịch sử là lập riêng tại miền Bắc một “Quỹ Ngoại tệ đặc biệt” (B.29).
Quỹ này có danh nghĩa là Cục Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều hành, quỹ chỉ chịu sự chỉ đạo đơn tuyến của Ban Viện trợ miền Nam. Quỹ có các nguồn viện trợ quốc tế để dành riêng cho miền Nam và được sử dụng một cách độc lập chứ không liên quan đến vốn ngoại tệ công khai của Nhà nước tại miền Bắc.
B.29 là đơn vị bí mật, được biên chế 14 cán bộ phụ trách. Người trực tiếp điều hành là ông Mai Hữu Ích (Bảy Ích) lúc đó là Phó Cục trưởng Cục Ngoại hối, đồng thời là Ủy viên Ban Viện trợ miền Nam.
Theo lời kể trong hồi ký của một số cán bộ trực tiếp phụ trách B.29, cách thức hoạt động của đơn vị này có thể được diễn giải đơn giản như sau: Nguồn tiền viện trợ từ các nước XHCN và bạn bè quốc tế (bao gồm nhiều loại tiền như: đô la Mỹ, đô la Hồng Kông, franc Pháp, bảng Anh…) được B.29 tập hợp, sau đó gửi vào tài khoản tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Đến lượt mình, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam lại gửi nguồn vốn này tại các ngân hàng ở Hồng Kông, Pháp và một số ngân hàng quốc tế lớn đáng tin cậy.
Sau khi nhận viện trợ xong, B.29 sẽ căn cứ trên những diễn biến thị trường tiền tệ quốc tế để đổi một số ngoại tệ như đô la Hồng Kông, franc Pháp, bảng Anh… sang đô la Mỹ và một số loại tiền (như tiền bath Thái, kip Lào…) để chi dùng trong các chiến trường miền Nam. Khi đã đổi ra đô la Mỹ bằng tiền mặt, B.29 chịu trách nhiệm đưa tiền từ Hồng Kông về Hà Nội, đóng gói và lưu trữ tại kho riêng của mình tại miền Bắc, chờ lệnh vận chuyển vào miền Nam theo chỉ đạo của Ban Viện trợ.
Vận chuyển và “chế biến” tiền
Việc chuyển tiền viện trợ từ B.29 tại Hà Nội vào Nam giai đoạn đầu được thực hiện theo cách thức “xách tay”. Theo đó, đơn vị C100 (thuộc Đoàn 559 - Tổng cục Hậu Cần) được giao nhiệm vụ phối hợp vận chuyển tiền vào các chiến khu phía Nam. Tại Trung ương cục miền Nam có 2 đơn vị trực tiếp làm nhiệm vụ tiếp nhận tiền và thực hiện chuyển đổi từ đồng đô la Mỹ thành các đồng tiền khác là Ban Tài chính đặc biệt (N.2683) và Ban Ngân tín (R-C32).
Ông Mai Hữu Ích (gần) và ông Lữ Minh Châu trong thời kỳ các đơn vị B.29 và N.2683 bắt đầu phối hợp vận chuyển tiền bằng phương pháp FM năm 1966 (ảnh chụp lại từ tư liệu của đơn vị N.2683) |
Theo đó, tiền đô la Mỹ được Đoàn C100 vận chuyển vào Nam theo yêu cầu của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam. Khi tiền này được chuyển vào các khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, đơn vị C32 sẽ làm đầu mối tiếp nhận và giao cho N.2683. Nhận tiền xong, N.2683 sẽ thông qua các cơ sở kinh doanh như xưởng cưa Dân Sanh tại Sài Gòn, vựa than tại chợ Mỹ Tho… để đổi thành các đồng tiền khác như tiền Sài Gòn, tiền riel Campuchia, baht Thái Lan và kip Lào phục vụ cấp phát trực tiếp cho các đơn vị cách mạng tại chiến trường.
Bằng cách vận chuyển đường bộ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh hoặc quá cảnh sang đất Campuchia, trong một thời gian dài, nguồn tiền viện trợ từ B.29 vào các chiến trường miền Nam diễn ra khá đều đặn. Tuy nhiên, từ cuối năm 1965, tình hình chiến sự diễn ra ác liệt trên khắp các mặt trận tại miền Nam, hoạt động vận chuyển tiền trực tiếp bằng đường bộ và đường hàng không đều khó thực hiện vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị địch phục kích.
Thời điểm này, Trung ương Cục miền Nam đã đề xuất Chính phủ thực hiện “vận chuyển” tiền chi viện theo phương pháp mới gọi là phương pháp FM. Theo đó, tại Sài Gòn và Phnom Penh, các cơ sở kinh doanh có quan hệ với N.2683 sẽ lấy danh nghĩa sản xuất kinh doanh để rút tiền Z và các loại biệt tệ khác từ ngân hàng, sau đó ứng trước cho nhu cầu chi dùng của Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam.
Việc nhận tiền Z được N.2683 và các cơ sở kinh doanh bí mật thực hiện tại các địa điểm an toàn. Sau đó số tiền sẽ được N.2683 và R-C32 vận chuyển về căn cứ để cấp phát đến các đơn vị trong chiến trường. Khi đã nhận đủ số tiền theo nhu cầu, N.2683 và C32 sẽ báo về Hà Nội cho B.29, đơn vị này căn cứ vào số lượng tiền mà các cơ sở kinh doanh ứng trước để chuyển khoản “thanh toán” lại cho họ bằng đô la Mỹ thông qua tài khoản của mình tại các ngân hàng ở nước ngoài.
Giải cứu và bảo toàn nguồn tiền chi viện
Trong những năm tháng vận chuyển, chế biến, cấp phát nguồn tiền viện trợ chiến trường miền Nam, hai đơn vị N.2683 và C32 có một cuộc phối hợp giải cứu tiền táo bạo và ngoạn mục. Đó là sự kiện vận chuyển kho tiền từ Phnom Penh về căn cứ Trung ương Cục miền Nam vào năm 1970.
Những năm 1960 với sự giúp đỡ của Campuchia, đơn vị N.2683 có trụ sở mật đặt tại Phnom Penh. Rất nhiều vũ khí, đạn dược và tiền bạc viện trợ chiến trường miền Nam được N.2683 bí mật cất giấu ở đó.
Cuối tháng 2/1970 sau sự kiện đảo chính tại quốc gia này, Chính phủ Campuchia phát lệnh đổi tiền. Lúc này hầu hết tiền bạc do N.2683 quản lý đều nằm ở Công ty Tân Á (do ông Năm Tấn, cán bộ Ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam bí mật cài vào) nhưng chưa kịp đổi thì các ông Năm Tấn, ông Nguyễn Văn Phi (Mười Phi) đều bị lộ và bị nghi ngờ. Ông Lữ Minh Châu (Ba Châu) được giao nhiệm vụ “giải cứu tiền” vì nếu để một khối lượng lớn tiền riel và hàng triệu đô la dự trữ bị tịch thu thì các chiến khu sẽ không còn tiền chi dùng.
Nhận nhiệm vụ lớn này, ông Ba Châu đã nhanh chóng cùng với đồng đội đào hầm chôn giấu số tiền lớn tại Công ty Tân Á. Sau đó ông liên lạc được với Đoàn 159 là đơn vị hậu cần của Quân khu 9. Nhờ sự giúp đỡ của đơn vị này, cùng với cách xử trí thông minh (bỏ tiền vào bịch nilong giấu trong các hũ mắm bồ-hóc) nên 2 xe tải tiền từ PhnomPenh đã đến được khu vực biên giới Tuk Meas, giáp ranh với địa bàn của Quân khu 9.
Tiền ra được đến biên giới nhưng để về đến căn cứ tại Tây Ninh thì còn xa vời vợi. Ông Ba Châu đã liên lạc về Trung ương Cục miền Nam đề nghị bố trí người đến tiếp nhận tiền. Và người chỉ huy đoàn 140 cán bộ - chiến sĩ đến Tuk Meas nhận tiền là ông Ba Dũng (tức ông Trần Quang Dũng, nguyên C Phó C32).
Thời điểm đó nhận lệnh ở Trung ương Cục miền Nam, nhưng không biết tiền đã được N.2683 vận chuyển đến khu vực nào. Ban Kinh tài cho biết tiền đã đến khu T2 (tức khu vực Cây Dầu, tiếp giáp tỉnh Svay Rieng, Campuchia) nhưng khi đoàn đến nơi thì mới biết tiền không được chuyển về đó mà được chuyển về Tuk Meas, thuộc tỉnh Takéo (giáp ranh tỉnh An Giang).
Trung ương Cục giao nhiệm vụ cho C32 đến Tuk Meas nhận tiền và phải vận chuyển làm 5 chuyến để giảm rủi ro mất mát nếu bị địch tấn công. Nhưng khi đến nơi, ông Ba Dũng bàn bạc với các ông Ba Châu và Mười Phi, nếu vận chuyển làm 5 chuyến, mỗi chuyến đi hết 20 ngày thì quá lâu trong khi địch có thể càn quét địa bàn bất cứ lúc nào. Sau khi thảo luận nghiêm túc, cuối cùng cả 2 đơn vị thống nhất đi một chuyến duy nhất. Bắt đầu khởi hành từ ngày 3/5, đến nửa đêm hôm sau thì về đến căn cứ khu ủy T2...
Tại khu ủy T2, chưa kịp nghỉ ngơi thì đoàn buộc phải đi gấp trong đêm vì nhận được tin sáng hôm sau địch sẽ đổ bộ vào khu vực gần khu ủy. Đoàn đi suốt đêm đến sáng thì về đến khu vực Đất Đỏ (cách biên giới 30km), lúc này bất ngờ bị địch phát hiện và chặn đánh. Rất may, đoàn vận chuyển tiền được Đoàn 100 của Bộ Quốc phòng giải cứu và tiếp nhận số tiền vận chuyển về căn cứ Trung ương Cục. Ngày 8/4 khi các cán bộ chiến sĩ C32 về tới căn cứ an toàn thì nhận được tin từ các ông Ba Châu, Mười Phi cho biết rằng một ngày sau khi đoàn lên đường rời Tuk Meas thì khu vực này bị địch bao vây và hủy diệt gần như toàn bộ. Rất may mắn, những xe tiền quý giá của miền Bắc viện trợ miền Nam đã kịp thời được chuyển đi…
Có thể nói là trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, “con đường tiền tệ” mà các cán bộ - chiến sĩ ngành Ngân hàng đã lập ra và vận hành có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc giải phóng miền Nam. Những chiến sĩ thầm lặng từng công tác tại B.29, N.2683, C.32 và cả những “cộng tác viên” là các thương nhân đã hỗ trợ các đơn vị “chế biến”, vận chuyển tiền tệ thực sự đã hợp thành một “binh chủng tiền” mang vác sứ mệnh huyết mạch không thể thiếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam.