Khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính “tam nông”
Agribank “chia lửa” với khách hàng | |
Thương hiệu Agribank khẳng định qua các giải thưởng uy tín | |
Agribank hoàn thành nhiều mục tiêu, đóng góp lớn cho ngân sách |
Tiên phong thực thi các chính sách lớn
Năm 2022 làm một năm thách thức rất lớn đối với điều hành vĩ mô của Chính phủ, vai trò ngân hàng trung ương và quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng của của NHNN bởi rất nhiều khó khăn rất lớn cùng xuất hiện vào cùng một thời gian, thời điểm. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, của NHNN cùng các bộ ngành, những vấn đề về tỷ giá, lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ đã từng bước được giải quyết, kiểm soát hiệu quả. Hoạt động trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, NHNN Việt Nam, Agribank đã vượt khó thành công và tạo nhiều dấu ấn nổi bật, thể hiện rõ nét vai trò tiên phong, gương mẫu của một NHTM Nhà nước, là công cụ quan trọng của Nhà nước trong thực thi chính sách tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, tích cực đồng hành và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Agribank tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu, nghiêm túc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tín dụng tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm, tập trung vào sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Agribank triển khai nhiều giải pháp phù hợp để hỗ trợ khách hàng vay vốn, thực hiện chính sách cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN; chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Ngân hàng tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nguồn vốn Agribank chiếm tỷ trọng lớn nhất thị phần tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên toàn hệ thống, hướng đến các đối tượng mục tiêu, giúp người dân, đặc biệt ở khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính cần thiết với chi phí hợp lý, nâng cao đời sống và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.
Trong điều kiện khó khăn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng và chịu tác động bởi niềm tin thị trường suy giảm, song bám sát chỉ đạo của NHNN thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, Agribank điều hành cân đối vốn linh hoạt, là ngân hàng gương mẫu kiểm soát việc tăng lãi suất huy động vốn, góp phần ổn định thị trường và có điều kiện áp dụng lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đóng góp vào kết quả hoạt động năm 2022.
Song song với đó, ngân hàng cũng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp kiểm soát nợ xấu theo mục tiêu NHNN giao như thường xuyên rà soát, cập nhật, đánh giá tính khả thi của phương án xử lý nợ xấu; đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42...
Nhờ triển khai đồng bộ hiệu quả các giải pháp, đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Agribank đạt 1,87 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,71 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,44 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển “tam nông”. Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định. Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Thực hiện Kế hoạch chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2022, để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ, Agribank đã tăng cường nguồn nhân lực và hệ thống công nghệ để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, mở rộng kênh phân phối, phát triển khách hàng mới mở tài khoản thanh toán, sử dụng dịch vụ, thu hút, nuôi dưỡng, tăng nguồn thu kinh doanh dịch vụ và góp phần tăng tỷ lệ CASA trong dài hạn.
Toàn hệ thống Agribank tiếp nối kết quả năm 2022, vững tin bước sang năm 2023 |
Đi đầu cập nhật các xu hướng chuyển đổi số, Agribank đẩy mạnh phát triển công nghệ thanh toán hiện đại, cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử, phát triển khách hàng mới mở tài khoản thanh toán và gia tăng tỷ lệ giao dịch thanh toán thực hiện trên kênh số, qua đó tích cực phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, cùng ngành Ngân hàng tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số; cùng các đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương nâng cao uy tín, vị thế của doanh nghiệp Việt, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Đề án phát triển thị trường trong nước.
Một trong những điểm nhấn chuyển đổi số trong năm 2022 là Agribank thử nghiệm thành công và triển khai tại nhiều địa phương ứng dụng mô hình Ngân hàng số - Agribank Digital với những dịch vụ cơ bản không cần nhân viên là cơ sở đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ hiện đại, ngân hàng số giúp khách hàng trải nghiệm sử dụng dịch vụ ngân hàng từ mở tài khoản, đến gửi tiền, rút tiền và các dịch vụ ngân hàng khác thông qua nhận diện sinh trắc học và giao dịch trực tuyến, mà không cần vai trò của giao dịch viên. Đây là bước đột phá để Agribank phát triển mạng lưới phục vụ tiện ích tốt nhất cho người dân ở nông thôn trong thời gian tới.
Với những kết quả đạt được trong hoạt động kinh doanh, Agribank tiếp tục khẳng định là Thương hiệu Quốc gia năm 2022. Moody’s xếp hạng tín nhiệm Agribank ở mức Ba2, tương đương mức tín nhiệm quốc gia và là thương hiệu Ngân hàng giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn phát huy trách nhiệm xã hội của “Ngân hàng vì cộng đồng”. Từ nguồn tài chính của mình và sự hưởng ứng của gần 4 vạn cán bộ, người lao động toàn hệ thống, trong năm 2022, Agribank dành 600 tỷ đồng triển khai các hoạt động an sinh xã hội, tài trợ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa, trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm y tế cho người nghèo; mở rộng Chương trình trao tặng tủ sách, thiết bị học tập “Thêm con chữ, bớt đói nghèo”, “Agribank vì tương lai xanh” tại nhiều địa phương trên cả nước, cùng chung mục tiêu phát triển bền vững.
Bước sang năm 2023, lãnh đạo Agribank, cam kết tiếp tục phát huy vai trò của NHTMNN, đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ khách hàng vay vốn vượt qua khó khăn. Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn nhấn mạnh, trong điều kiện của năm 2023, khó khăn, thách thức dự báo sẽ nhiều hơn thuận lợi và cơ hội, đòi hỏi phải phát huy trí tuệ tập thể để có nhiều quyết sách, giải pháp phù hợp hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2023.
Toàn hệ thống Agribank tiếp nối kết quả năm 2022, vững tin bước sang năm 2023 với tinh thần và khí thế thi đua sôi nổi lập thành tích hướng đến kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Agribank (26/3/1988 - 26/3/2023), sẵn sàng tâm thế triển khai thành công Đề án Đảng bộ toàn ngân hàng, Đề án chiến lược phát triển Agribank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, cùng các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng trong Khối Doanh nghiệp Trung ương có nhiều đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước.